PGĐ Sở Công Thương HN: “Đừng đổ tội cho chúng tôi”
Không đồng tình với phản ánh của người dân và báo chí về việc giá nhiều mặt hàng bình ổn cao hơn thị trường nhưng ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận có chuyện hàng bình ổn giảm giá chậm hơn.
Giá chỉ là một yếu tố của bình ổn
Người tiêu dùng đang phản ánh giá nhiều mặt hàng bình ổn cao hơn giá thị trường các chợ truyền thống, khảo sát thực tế của báo chí cũng cho thấy điều đó…
Thông thường hàng ở trong siêu thị chi phí luôn cao hơn thị trường (dịch vụ đi kèm cao cấp hơn) nên giá sẽ cao hơn. Giá hàng bình ổn trong siêu thị vì thế có thời điểm cũng cao hơn thị trường.
Nếu giá hàng bình ổn cao hơn thị trường thì ý nghĩa việc bình ổn ở đâu?
Giá chỉ là một yếu tố của bình ổn. Ngoài giá, ba yếu tố nữa cấu thành hàng bình ổn gồm: số lượng, chất lượng và chủng loại. Để đảm bảo an sinh cho người dân, chúng tôi phải quan tâm đến cả bốn yếu tố này chứ không riêng giá.
Một số người tiêu dùng thường chỉ quan tâm đến giá mà ít quan tâm đến các yếu tố còn lại. Họ có thể hiểu đơn giản thế còn chúng ta thì không thể hiểu như vậy.
Nhưng thưa ông, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá khi mua mặt hàng (cảm tính chủ quan) cùng phẩm cấp, chất lượng nhưng giá rẻ hơn cho dù là ở chợ hay siêu thị bình ổn?
Không phải chỉ người tiêu dùng quan tâm mà chúng tôi cũng mong muốn có hàng bình ổn giá rẻ như mong đợi của người dân, nhưng làm như thế thì nhà nước không có kinh phí bù lỗ. Vì thế mọi người chỉ quan tâm về giá trong hàng bình ổn là chưa đủ.
Giảm chậm hơn thị trường vì yếu tố khách quan
Ông có biết thông tin các mặt hàng thiết yếu trên thị trường đã giảm mạnh mà hàng bình ổn chưa giảm?
Tôi chỉ biết thông tin chúng tôi có các mặt hàng bình ổn giá xuống chưa kịp với thị trường.
Đừng nên đổ tội cho chúng tôi, đây là do khách quan. Tôi thừa nhận có thời điểm giá hàng bình ổn cao hơn thị trường do quy trình xuống giá của doanh nghiệp chậm hơn. Hiện Sở đang rất cố gắng nhưng tôi cho rằng dù có cố gắng thì chúng tôi cũng khó vượt các bà tiểu thương ngoài chợ về việc giảm giá nhanh.
Nhưng giá cả thị trường đã giảm đến 2 tuần nay rồi thưa ông?
Tôi không biết 2 tuần hay bao nhiêu tuần nhưng qui trình giảm giá của hệ thống kinh doanh theo chuỗi chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn một bà bán rau ngoài đường.
Không phải hàng bình ổn không giảm mà đã giảm nhưng thị trường giảm đến lần hai thì siêu thị hàng bình ổn mới giảm được một lần. Giá thị trường xuống quá nhanh nên hàng bình ổn không theo kịp, đã xử lý rồi chứ không phải không xử lý.
Cái này là do sự hạn chế của hệ thống phân phối nói chung nên quy trình giảm giá chậm hơn, ai kinh doanh cũng vậy. Ngược lại nếu tăng giá sẽ lên chậm hơn thị trường.
Như vậy người dân sẽ phải chấp nhận việc giảm giá chậm?
Về mặt nào đó không chấp nhận cũng không được.
Chúng tôi thực hiện chính sách “vừa hành quân vừa xếp hàng”, nghĩa là vừa bán hàng vừa làm việc điều chỉnh giảm giá.
Sở có lộ trình thời gian cụ thể hàng thị trường giảm sau bao lâu thì hàng bình ổn phải giảm không thưa ông?
Không thể cụ thể được, có doanh nghiệp chỉ cần một cú điện thoại là đã giảm giá nhưng có chỗ phải bằng nhiều văn bản. Một cô mậu dịch viên không thể tự quyết định tăng hay giảm giá bất cứ mặt hàng nào song một bà bán rau hay bán thịt lại quyết định được tất cả.
Chúng tôi đang muốn mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn trong các chợ dân sinh và khu dân cư… để có mức giá rẻ hơn ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đây là một hạn chế, điểm yếu của chương trình.
Bình ổn cho mọi tầng lớp nhân dân
Có hiện tượng cùng một mặt hàng, phẩm cấp nhưng tại các điểm bán hàng bình ổn giá lại khác nhau?
Sở Công Thương không quyết định giá mà do Sở Tài chính. Thực tế có như vậy là doanh nghiệp sai, tuy nhiên cũng cần xem xét cơ cấu giá thành của từng doanh nghiệp để Sở Tài chính có thể quyết các mức giá khác nhau.
Một số siêu thị đang bán gạo tám bình ổn, một mặt hàng của người thu nhập cao, việc này có đúng không thưa ông?
Không bao giờ có chuyện như thế. Hiện mặt hàng gạo bình ổn chỉ là gạo tẻ thường vì thế nếu có sự việc báo nêu thì các siêu thị đã sai chủ trương và phải xử lý.
Tuy nhiên sang năm hàng bình ổn có thể sẽ có gạo tám để phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân. Tôi lưu ý rằng hàng bình ổn không phải chỉ phục vụ người nghèo mà phục vụ công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Thanh Ngọc - Thanh Xuân
Bee.net