Passion Investment, Finhay cùng loạt ứng dụng đình đám bị cảnh báo
(Dân trí) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra với những ứng dụng, website này mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trong thông báo vừa phát đi ngày hôm nay (5/10), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các website, app này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Theo UBCKNN, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này. Đồng thời, cơ quan quản lý về chứng khoán cũng nhấn mạnh "nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh".
Trong số những cái tên bị UBCKNN điểm danh ở trên có những đơn vị khá quen thuộc với cộng đồng nhà đầu tư trong nước. Ví dụ như Passion Investment, nơi chuyên gia Lã Giang Trung là Tổng giám đốc. Đơn vị này cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng dành cho phần lớn cho nhà đầu tư cá nhân; đối tượng là khách hàng tổ chức hoặc cá nhân có vốn lớn, số tiền quản lý qua tài khoản riêng từ 50 tỷ đồng.
Passion Investment thường có báo cáo hiệu quả đầu tư định kỳ đến các nhà đầu tư và lợi nhuận bình quân hàng năm cho giai đoạn 6 năm từ năm 2016 đến hết năm 2021 của sản phẩm hợp tác kinh doanh được cho biết đạt mức tỷ suất bình quân 52,92%/năm, riêng năm 2021 lên tới... 101%.
Với Finhay, ứng dụng tài chính cá nhân này cho phép nhà đầu tư tham gia với số tiền chỉ từ 10.000 đồng, 50.000 đồng với các sản phẩm như ủy thác, đầu tư chứng khoán, gửi vàng, tiền gửi. Finhay khẳng định không đưa ra bất kỳ lời chào mời đầu tư vào một sản phẩm tài chính cụ thể nào mà chỉ cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng trên điện thoại (ứng dụng Finhay) để trợ giúp người dùng tiếp cận các sản phẩm tài chính và quản lý tài chính cá nhân một cách đơn giản.
Tài sản của người dùng Finhay được chuyển tới Công ty cổ phần quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Được thành lập năm 2017 và có tới 2,7 triệu người dùng, vào đầu năm nay, Finhay Việt Nam đã mua lại Công ty chứng khoán Vina và tiếp tục chi thêm 200 tỷ đồng để mua thêm 20 triệu cổ phiếu Chứng khoán Vina hồi đầu tháng 10 này để nâng sở hữu lên 97,83% vốn điều lệ Chứng khoán Vina.
Tiikop thì tự giới thiệu là một ứng dụng fintech thuộc Công ty cổ phần công nghệ Techlab, có tầm nhìn trở thành nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu tại Việt Nam, tham gia sâu vào tiến trình chuyển đổi số đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Sau khi người dùng nạp tiền (chỉ từ 50.000 đồng) và lựa chọn gói đầu tư, số tiền này sẽ tự động tới các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu Việt Nam, theo đúng tỷ lệ của cấu trúc đầu tư được chọn.
Infina là nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi công ty RealStake tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam, định hướng theo mô hình công ty công nghệ, tức là sử dụng công nghệ để tạo ra sự đột phá cho thị trường nhằm đem lại lợi ích cho nhà đầu tư (tương tự như Grab, Uber trong ngành vận tải hành khách, hay AirBnB trong lĩnh vực khách sạn). Ứng dụng này hiện cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy; sản phẩm đầu tư chung bất động sản.
BUFF là ứng dụng được phát triển bởi Công ty cổ phần BUFF Fintech, được thành lập giữa năm 2021, cho phép người dùng gửi tiền (có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn), phân bổ vào các sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, ETF, chứng chỉ quỹ mở, tín phiếu, đơn vị quản lý tài sản là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Tân Việt.