Ôtô “xịn”: Sướng hay khổ?

(Dân trí) - Đối với nhiều người Việt Nam, sở hữu một chiếc ôtô hiện không còn là một ước mơ quá xa vời. Tuy nhiên khi có ý định mua, rất nhiều người đang phải cân nhắc, tìm cho mình một chiếc xe đã qua sử dụng có thương hiệu “tầm tầm” hay là một chiếc xe “xịn”, với thương hiệu đẳng cấp.

Có một chiếc xe “xịn” giống như nuôi một đứa con một trong nhà. Đó là nỗi khổ của rất nhiều người hiện nay. Nhưng đã là chơi xe, thể hiện đẳng cấp thì phải chấp nhận, tuy nhiên...

Anh Nguyễn Công Vinh, đường Sơn Tây, Hà Nội (chủ sở hữu của chiếc xe “Mercedes” biển số 29U- 3751): Chơi xe “xịn” đúng là thể hiện được đẳng cấp thật, nhất là khi có việc phải đến những nơi cần thể hiện. Nhưng lâu dần tôi hiểu là cũng sắp đến lúc sở hữu một chiếc ôtô cũng sẽ như một chiếc xe máy trước đây.

Những thương hiệu “xịn”

 

Theo đánh giá của giới chơi xe hiện nay nói chung thì có 4 thương hiệu sau được coi là đầu bảng, được dân chơi xe coi là có số má nhất: “Nhất “mẹc”, nhì “bi”, tam “ri”, tứ “phót”” (Mercedes, BMW, Camry, Ford).

 

Sự phân loại trên là do thương hiệu đã có từ lâu đời của các hãng xe, thêm nữa về giá cả cũng thuộc loại rất đắt và cuối cùng là kiểu dáng, độ bền của xe. Tuy nhiên xe càng “xịn” thì tiền chi cho một chiếc xe càng nhiều.

Hồi chưa có nhiều ôtô chỉ có xe máy thì mua chiếc Dream đã là “oách” lắm rồi, sau này thì Dylan, Piagio... mới được coi là đẳng cấp nhưng bây giờ cũng bình thường. Xe máy cũng chỉ còn là phương tiện để đi lại, không ai còn trầm trồ trước con Dream hay Dylan nữa. Ôtô rồi cũng sẽ thế.

Ông Đặng Ngọc Văn (chủ sở hữu chiếc ôtô Camry 3.0, biển số 29T - 2727): Đúng là đi một chiếc xe “xịn” cảm thấy như đẳng cấp được nâng lên, nhưng nỗi khổ vì có xe “xịn” cũng không kể xiết. Bị tháo mất gương, xước xe là chuyện rất hay xảy ra. Hôm trước bị mất cái gương tôi phải bỏ ra hơn 200 USD để mua một chiếc mới.

Anh Văn Long (quản lý gara sửa xe ôtô Văn Tân, trên đường Đội Cấn - Hà Nội): Nhiều người rất khổ vì muốn sở hữu một thương hiệu xe “xịn”. Có những người vừa mua một chiếc “mẹc” đi từ Phú Thọ về đã bị bó “côn”. Hoá ra là sử dụng xe chưa thuần thục.

Có người thì mới mua một chiếc Ford được ít ngày đã phải vào sửa vì móp mép do va chạm. Theo tôi thì bây giờ không cần phải mua xe theo kiểu phải thật “xịn” mà quan trọng là xe dùng được, bền, giá hợp lý.

Chị Phạm Thị Bình Minh (Công ty JPC), đang sở hữu một chiếc xe Lanos giá 12.000 USD: Tôi thấy không có gì khác nhau lắm giữa sở hữu một chiếc Camry hay một chiếc Lanos, bởi ngoài dân chơi xe biết đấy là xe có đẳng cấp (như Camry) và xe loại bình dân như Lanos, còn đa số mọi người khác không nhận thấy.

Với tôi đó là phương tiện đi lại hữu ích. Xe chạy êm, nhẹ, nếu có bị sớt xước một chút cũng không sót, giá xe lại rẻ chỉ vào khoảng 1/5 xe “xịn”.Tôi không dại gì lúc nào cũng là nô lệ cho một chiếc xe “xịn”.

Anh Lê Văn Quang Tập (Kiến trúc sư - tập thể Đại học Ngoại ngữ Hà Nội): Vì tính chất công việc nên tôi phải cố gắng vay mượn thậm chí thế chấp sổ đỏ của gia đình để mua một con “xế hộp”.

Lúc đầu, tôi cũng chỉ định mua một chiếc “mèng mèng” như Matiz, Lanos... nhưng rồi thấy đi những loại xe này có vẻ “bình dân” quá nên lại  tặc lưỡi vay thêm tiền để “tậu” cho bằng được con Altis màu bạc với giá gần 500 triệu đồng.

Mỗi lần lái xe đi làm việc ở các tỉnh mà phải đỗ ở cổng nhà dân thì chỉ lo ngay ngáy bọn trẻ con đùa nghịch làm xước sơn, vỡ gương. Ngồi trên ôtô nếu trong túi ít tiền thì chẳng dám tiêu pha gì vì lo xe hết xăng, hay bị va quệt. Bây giờ tôi cảm thấy  ân hận, nếu ngày ấy cứ mua một “con xe” cũ loại ít tiền thì tha hồ đi lại vô tư lại đỡ phải è cổ trả nợ!

Bảng giá so sánh một số loại xe “xịn” và “bình dân”

 

Các dòng xe của Toyota

+ Camry 3.0    : 63.000USD

+ Camry 2.4    : 49.600USD

+ Corolla Altis : 34.500USD

 

Giá xe tương đối “bình dân” của Daewoo

Matiz S:           12. 800 USD

Matiz SE:         13.300 USD

Matiz color:      13.600 USD

Lanos SX:        18.400 USD

Lacetti 1.6:       23.200 USD

Lacetti 1.8:       27.100 USD

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi cũng không phản đối ý kiến của nhiều người rằn, ôtô bây giờ là thứ phương tiện để lưu hành, để đi lại, chứ không còn là một khối tài sản khổng lồ để cất giữ nữa, thành thử không nên chăm chăm để dành tiền rồi sắm một chiếc “lấy le” với thiên hạ làm gì.

Tâm sự của một nhân viên bán hàng của Công ty liên doanh ôtô Hoà Bình VMC (anh Vũ Hữu H.): Hãng của tôi thường bán các loại xe CD5, Spectra, Madza... Có 2 loại giá: một là khá bình dân như Spectra giá chỉ hơn 20.000 USD, hay CD5 giá còn rẻ hơn và Madza giá hơn 30.000 USD được coi là khá cao cấp.

Nhiều khách hàng đều thích nhắm tới sở hữu một chiếc Madza dù giá cao hơn hẳn loại khác, nhưng qua tìm hiểu tôi biết đó là do tâm lý. Xe rẻ thì là xe bình dân, sẽ không chứng minh được đẳng cấp của mình. Do vậy nhiều người cứ phải cố gắng để có một chiếc xe “xịn” thực ra một chiếc CD5 hay Spectra đi cũng rất bền.

LTS: Một chiếc xe “xịn” chắc chắn được nhiều người nhắm tới, nhưng quan trọng hơn theo chúng tôi  là bạn nên mua những chiếc xe phù hợp túi tiền, thậm chí đó là những chiếc xe đã qua sử dụng. Thêm một điều nữa, việc bạn phải cố gắng có được một chiếc xe “xịn” nhiều khi  lại phụ thuộc nhiều vào tâm lý của bạn muốn bằng anh bằng em hay tâm lý thích chơi trội. Điều này sẽ khiến bạn dễ trở thành “nô lệ” cho chính chiếc xe của bạn.

Người Nhật cũng không quan tâm đến  xe “xịn”

Ở một đất nước mà xe ôtô được cả thế giới ưa chuộng như Nhật Bản thì người dân lại coi ôtô hoàn toàn như một thứ phương tiện đi lại thông thường. Thị trường xe hơi ở Nhật cực kỳ đa dạng, nhưng người dân chủ yếu sử dụng là các loại xe nội địa, giá bán cũng rất rẻ, chỉ vài ngàn USD đã có thể sở hữu một chiếc xe ôtô.

Người Nhật cũng không đánh giá sự sang hèn qua chiếc ôtô, chính vì vậy nhiều chính khách VIP của Nhật suốt đời đi làm chỉ bằng xe buýt hay tàu điện ngầm mà chẳng bao giờ biết đến việc phải chưng diện một cái ôtô “xịn”.

Người Nhật cũng không bao giờ trầm trồ  thán phục khi anh hàng xóm mua một chiếc Honda Civic hay Toyota Camry và cảm thấy buồn khi mình chỉ đi một chiếc Matiz. Đối với họ các loại xe này là như nhau bởi nó chỉ là phương tiện đi lại thông thường.

Minh Tuấn (từ Tokyo)

Nhóm PV (thực hiện)