Orion-Hanel - “Cánh chim đầu đàn” một thời xin phá sản
Sau những nỗ lực giải cứu không thành, Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel đang tiến hành làm thủ tục xin phá sản, chấm dứt sự huy hoàng một thời của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chủ quản Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel), đối tác trong nước của liên doanh Orion-Hanel cho biết, UBND thành phố đã thống nhất với ban lãnh đạo liên doanh này tiến hành thủ tục xin phá sản.
Một nguồn tin nội bộ của Orion-Hanel cũng xác nhận là đáng lẽ hồ sơ xin phá sản đã được nộp lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội từ ngày 19/12/2008, nhưng do chưa đầy đủ nên liên doanh này sẽ hoàn thiện lại và nộp lại trong tuần này.
Từ “đầu tàu” trở thành “con nợ”
Theo giấy phép được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp tháng 2/1993, Công ty Orion-Hanel là liên doanh giữa Hanel và đối tác Orion (Hàn Quốc) với số vốn đầu tư trên 178 triệu USD, trong đó phía Việt Nam đóng góp 30% và phía Hàn Quốc góp 70%, chuyên sản xuất đèn hình và phụ kiện cho TV và máy tính với thời hạn hoạt động 50 năm.
Sau 11 năm hoạt động và dẫn đầu trong số các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, ngày 16/10/2004, Công ty Orion-Hanel đã khánh thành nhà máy sản xuất đèn hình màu thứ hai tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội).
Nhà máy này đi vào hoạt động đã tạo thêm 1.200 việc làm mới cho người lao động và đưa số cán bộ công nhân viên của công ty lên đến 2.500 người. Tuy nhiên, việc đưa nhà máy thứ hai đi vào hoạt động đã không thành công như mong đợi của tất cả cán bộ nhân viên cũng như nhà đầu tư.
“Tôi nghĩ rằng nhà máy mới sẽ đem lại cho chúng tôi những cơ hội tốt hơn, nhưng sự thật không phải như vậy bởi vì dây chuyền mà công ty nhập về đã bị quá đát”, một nhân viên làm việc lâu năm tại Orion-Hanel cho biết.
Cùng thời điểm đó, thị trường TV đã xuất hiện sự thoái trào của công nghệ sản xuất đèn hình màu, với sự thay thế của dòng LCD và Plasma, khiến khó khăn của Orion-Hanel tăng thêm bội phần.
Những tác động tiêu cực khách quan cùng với các khó khăn nội tại đã buộc Orion-Hanel ngưng sản xuất 3 tháng kể từ tháng 9/2007 để giải quyết những vướng mắc. Đến tháng 1/2008, công ty đã hoạt động trở lại với công suất ở một dây chuyền.
Nhưng hoạt động nhỏ nhoi này chỉ cầm cự được tiếp trong 3 tháng và đến tháng 4/2008, toàn bộ hoạt động sản xuất bị dừng lại, toàn bộ công nhân tại nhà máy được nghỉ vô thời hạn. Tính đến tháng 12/2008 công ty còn 822 hợp đồng dài hạn, trong đó chỉ có hơn 30 người ở vị trí chủ chốt tiếp tục làm việc và được nhận lương.
Sáng 17/12/2008, tại Khu công nghiệp Sài Đồng, hàng trăm công nhân lao động Orion-Hanel tập trung trước cổng công ty đòi đối thoại trực tiếp với công đoàn và Ban giám đốc về một số vấn đề như công ty phải trả lời người lao động rõ phương án sản xuất kinh doanh, thời gian thanh toán các khoản nợ đối với họ.
Phần lớn người lao động đều bức xúc vì hiện nay công ty không đưa ra thời hạn chính xác là phải dừng việc trong thời gian bao lâu, cũng như đến bao giờ sẽ thanh toán tiền lương cho người lao động.
Đặc biệt từ tháng 8/2007 đến nay công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho 1.700 lao động, 31% trong số đó là lao động nữ. Về mặt tài chính, tổng số nợ lũy kế của công ty (tính đến tháng 8/2008) đã lên tới 47 triệu USD, trong đó nợ ngân hàng là 34 triệu USD, nợ lương người lao động khoảng 1,9 triệu USD và nợ thuế khoảng 620.000 USD.
Cơ hội “giải cứu” bị bỏ lỡ
Trước những khó khăn của Orion-Hanel, Ban giám đốc và chủ đầu tư đã tìm mọi phương án để cứu công ty trong đó có đề cập đến việc bán lại cho nhà đầu tư bên ngoài có quan tâm sau khi đề nghị gói cứu trợ từ UBND thành phố bị từ chối.
Trước đó, ban lãnh đạo Orion-Hanel từng đề xuất UBND thành phố “khẩn cấp” thông qua gói cứu trợ trị giá 10 triệu USD nhằm vực dậy liên doanh này, tuy nhiên, theo một lãnh đạo của UBND thành phố, số tiền này là “không thể duyệt”.
Có một số nhà đầu tư biết sự việc đã bày tỏ sự quan tâm tới Orion-Hanel và một trong số họ là công ty quản lý tài sản ProAM. Các hy vọng hồi sinh cho Orion-Hanel được nhen nhóm khi ProAM khẩn trương tiến hành làm việc với các ban, ngành liên quan của UBND thành phố Hà Nội mà theo đánh giá của ông Lê Quang Việt, Giám đốc điều hành ProAM tại Hà Nội là “hết sức ủng hộ và nhiệt tình”.
Bản thân ProAM đã tiến hành đàm phán xong với phía đối tác Orion (Hàn Quốc) và thông qua một biên bản ghi nhớ (MOU), theo đó, Orion “hoàn toàn đồng ý bán lại phần 70% của họ cho chủ đầu tư mới”. Điều này được xem là cơ hội giải cứu cuối cùng cho Orion-Hanel.
Thế nhưng cơ hội cuối cùng này đã trở nên “vô hiệu” bất chấp sự kiên trì của ProAM cũng như “sự ủng hộ mạnh mẽ” của lãnh đạo UBND thành phố. Dù không đưa ra chi tiết về “sự không đồng thuận” giữa hai bên, ông Lê Quang Việt cho biết, ProAM và Hanel đã không đạt được thống nhất về con số giá trị định giá tài sản của liên doanh này khi chuyển đổi.
Theo thông tin riêng, phía Hanel đã đưa ra mức giá phần đất sở hữu của liên doanh này là hơn 11 triệu USD được xây dựng theo khung giá Nhà nước ở thời điểm hiện tại, một con số mà phía ProAM cho là quá cao bởi phần đất mà liên doanh Orion-Hanel đang có là đất thuê công nghiệp có thời hạn 49 năm trong khi chính liên doanh này đã sử dụng hết 15 năm.
“Tạm thời ProAM sẽ ngưng các đàm phán về thương vụ này mặc dù chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội trong suốt mấy tháng qua”, ông Việt nói.
Có lẽ, số mệnh ngắn ngủi của Orion-Hanel đã được “an bài”. Nhưng trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng từ phía tòa án, không ít người, bao gồm hàng trăm công nhân, nhà đầu tư và các đối tác, cảm thấy hối tiếc cho một liên doanh từng được coi là “cánh chim đầu đàn” của kinh tế Hà Nội trong những năm 90 của thế kỷ trước.
Theo Hà Nguyên - Linh San
VnEconomy