1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

OPEC, Nga cắt giảm sản lượng, giá dầu tăng nhanh

(Dân trí) - OPEC lần đầu tiên cắt giảm sản lượng kể từ năm 2008, giá dầu tăng như dự báo không quá 60 USD/thùng. Điều này được nhiều chuyên gia cho rằng, cũng sẽ tác động làm tăng mạnh giá xăng dầu bán lẻ ở Việt Nam.


OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu lập tức tăng. Ảnh: Thomas J. Abercrombie/National Geographic

OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu lập tức tăng. Ảnh: Thomas J. Abercrombie/National Geographic

Trong cuộc họp tuần qua tại Vienna, Áo, các thành viên Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra quyết định lịch sử cắt giảm sản lượng dầu thô 1.2 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý là chính phủ Nga đã đồng ý cắt giảm 300.000 thùng/ngày. Như vậy lượng dầu cắt giảm tương đương 2% tổng sản lượng toàn cầu.

Mặc dù quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 và kéo dài trong 6 tháng, thị trường dầu mỏ thế giới đã có những phản ứng tức thời. Giá dầu Brent, dao động chủ yếu trong mức 40-50 USD/thùng trong phần lớn năm 2016, trong phiên chốt cuối tuần đã đạt mức 54 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong 16 tháng gần đây.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng này chỉ là tạm thời. Giá dầu dù tăng nhưng sẽ rất khó trở lại mức kỷ lục 115 USD/ thùng thiết lập vào mùa hè năm 2014. Giá dầu năm tới được dự đoán là có thể sẽ không vượt quá ngưỡng 60 USD/thùng.

Việc những thoả thuận như này có tác dụng hay không phụ thuộc nhiều vào việc thực thi cam kết của các thành viên. Lịch sử cho thấy thành viên OPEC thường phá vỡ cam kết – tiếp tục bơm dầu thay vì cắt giảm như đã hứa – và khiến cho toàn bộ thoả thuận bị đổ bể.


Vận chuyển xăng dầu ở một trạm xăng tại London. Ảnh: Bloomberg

Vận chuyển xăng dầu ở một trạm xăng tại London. Ảnh: Bloomberg

Nhưng ngay kể cả khi OPEC quyết tâm theo đuổi thoả thuận này, có những yếu tố thị trường OPEC không thể kiểm soát được. Chính những yếu tố này sẽ hạn chế những tác động về giá của OPEC.

Trước tiên, phân tích của Société Générale chỉ ra rằng việc giảm sản lượng sản lượng của OPEC sẽ có ảnh hưởng rất khiêm tốn đến nguồn cung dầu mỏ năm tới. Điều này là do dự trữ dầu mỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang ở mức rất cao do các nước đã tận dụng giá dầu rẻ trong suốt 2 năm qua để tích trữ.

Thêm vào đó, theo nhận định của các chuyên gia Oxford Economics, thì nhu cầu dầu thô trên toàn cầu hiện thời là thấp, nên việc cắt nguồn cung cũng không thể đẩy giá dầu qua ngưỡng 60 USD/thùng, ít nhất là cho đến cuối năm 2018.

Hơn nữa, trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ tạo động lực cho các nhà khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ tăng cường sản xuất. Các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng đang có những điều kiện thuận lợi khi chi phí sản xuất cận biên liên tục giảm. Một khi những hãng này mở rộng khai thác tăng nguồn cung cấp dầu, giá dầu sẽ tự động điều chỉnh xuống mức thấp hơn.

Liên minh OPEC bao gồm 13 thành viên, cung cấp 1/3 tổng nhu cầu dầu mỏ thế giới, ước tính khoảng 33.6 triệu thùng/ngày. Quyết định lịch sử này là kết quả của 2 năm đàm phán, thương thuyết giữa 13 nước trong nội bộ khối nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của liên minh này.

Quỳnh Anh

(Theo: The Guardian)