1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Ông lớn" Việt mang 19 tỷ USD ra nước ngoài đầu tư

(Dân trí) - Lũy kế đến hết tháng 7/2014, đã có tổng cộng 890 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel có tổng vốn 355,2 triệu USD (ảnh minh họa).
Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel có tổng vốn 355,2 triệu USD (ảnh minh họa).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* TPBank bổ nhiệm sếp nữ 8X đầu tiên
* Top 10 tòa nhà đẹp nhất thế giới hiện nay
* Bất động sản Việt Nam: Ngày ấy và bây giờ..
* Mang 19 tỷ USD ra nước ngoài đầu tư
* Trưa nay 16/9, tâm bão Kalmaegi vào vịnh Bắc Bộ

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố mới đây cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 68 dự án, đầu tư sang 21 quốc gia với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 894 triệu USD.

Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia (chiếm 25% tổng số dự án), Myanmar (chiếm 14%); Lào (chiếm 10%); Hoa Kỳ (chiếm 13,2%). Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực buôn bán thương mại chiếm tới 30,8% tổng số dự án và dịch vụ khác chiếm 20,5%.

Tanzania là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù chỉ có 1 dự án vào Tanzania nhưng đã chiếm 39% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ra nước ngoài. Xếp thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,8% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ) và kế đến là Burundi (chỉ có 1 dự án chiếm 19%).

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (58,8%) và nông lâm nghiệp (32%).

Lũy kế có 890 dự án đầu tư ra nước ngoài

Như vậy, lũy kế đến hết tháng 7/2014, đã có tổng cộng 890 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 19 tỷ USD.

Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng - bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí (chiếm 45,5%tổng vốn đăng ký phía Việt Nam), lĩnh vực trồng cây công nghiệp (chiếm 16,24%), lĩnh vực sản xuất điện (11,17%), lĩnh vực viễn thông (9,66%). Còn lại là các lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, chế biến chế tạo, thương mại buôn bán, dịch vụ, xây dựng, y tế, vận tải.

Các thị trường thu hút vốn đầu tư lớn nhất là Lào (chiếm 24,89% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam), Campuchia (18%), Nga (12%), Venezuela (9,5%), Peru (7%), còn lại là các thị trường khác có vốn đăng ký chiếm dưới 5% tổng vốn Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung chủ yếu vào các ngành buôn bán thương mại (chiếm 20,34% tổng số dự án), sản xuất chế biến (14,38%), nông nghiệp, trồng trọt (13,82%), khai khoáng - bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí (11,8%). 

Đáng chú ý là các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn phần lớn nằm tại lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí (20 triệu - 1,8 tỷ USD), xây dựng mạng viễn thông (150 - 500 triệu USD), trồng cao su (50-80 triệu USD), ngân hàng (~40 triệu USD) và bất động sản...

Đến hết năm 2013, vốn thực hiện lũy kế phía Việt Nam đạt 4,97 tỷ USD, dự kiến vốn thực hiện 7 tháng đầu năm 2014 là 608,9 triệu USD và cả năm 2014 là 1,15 tỷ USD.

Một số dự án lớn của DN Việt đầu tư ra nước ngoài trên 50 triệu USD:

- Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel (355,2 triệu USD);

- Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Burundi của Viettel (170 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP An Đông Mia (80,4 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng – Kratie (63,8 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên – Kampongthom (61,98 triệu USD).

Sáu dự án trên đã có số vốn đăng ký 796 triệu USD (trong tổng 894 triệu USD), chiếm 89% tổng vốn đăng ký.

Bích Diệp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”