Ông Lê Phước Vũ: "Nếu dự án gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy"

Hồi cuối tháng 8 vừa rồi, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trước Thủ tướng và các ban, ngành Trung ương, địa phương, trước nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoa Sen gây chú ý với cam kết mạnh mẽ, đặt tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường lên trên cả chi phí đầu tư.

"Không thể sợ vấn đề ô nhiễm môi trường như Formosa mà không dám đầu tư"

"Nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước. Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển", ông Vũ tuyên bố.

Phát biểu của "ông chủ" Hoa Sen được đưa ra giữa bối cảnh tập đoàn này đang dự kiến đưa vào triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận trong khi sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Formosa vẫn còn chưa lắng dịu.

Mô hình của Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận
Mô hình của Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận

Nói với báo chí sau đó, ông Lê Phước Vũ cho biết, trên thực tế, vấn đề chất thải, khí thải là tất yếu đối với bất cứ một ngành sản xuất nào, đặc biệt là ngành thép. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại như hiện nay thì việc xử lý chất thải hoàn toàn có thể kiểm soát tốt để không gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Nhấn mạnh quan điểm "không thể xem nhẹ vấn đề môi trường, môi trường sẽ đặt lên trên sự phát triển", song ông Vũ cũng cho rằng, không phải vì vấn đề môi trường mà không phát triển, đó là 2 khía cạnh rất rõ ràng. Thực tế cho thấy, đã có hàng trăm tổ hợp thép ở vùng ven biển hoặc ngay giữa thành phố vẫn hoạt động hàng chục năm qua ở châu Âu, ở Nhật Bản nhưng không hề xảy ra vấn đề về môi trường. Vấn đề là phải đầu tư một cách nghiêm túc và trong quá trình vận hành phải tuyệt đối tuân thủ quy trình công nghệ xử lý chất thải với tinh thần trách nhiệm cao.

Còn đối với bài học Formosa, theo phân tích của ông Vũ, khi doanh nghiệp tập trung đầu tư theo hướng đặt vấn đề môi trường lên trên hết thì sau này trong quá trình vận hành, chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với đầu tư không có trách nhiệm, bởi nếu chờ đến lúc xảy ra vấn đề mới cải thiện môi trường thì chi phí cực lớn. Do vậy, "chúng ta không thể sợ vấn đề ô nhiễm môi trường như Formosa mà không dám đầu tư gì cả", ông Vũ đánh giá.

Ông Lê Phước Vũ trả lời trên chương trình “ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH” với chủ đề “MÔI TRƯỜNG VÀ TĂNG TRƯỞNG"

Giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có công suất 16 triệu tấn/năm đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 theo Quyết định số 3516/QĐ – BCT ngày 25/8/2016. Dự kiến khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động địa phương. Ngoài ra, sẽ góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như: ăn uống, vận tải, lưu trú,... hứa hẹn thay đổi đáng kể kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mặc dù có những bước phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây, song, ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được những sản phẩm thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội cũng tôn mạ, sơn phủ màu, còn toàn bộ thép dẹt và nguyên liệu sản xuất thép dẹt chưa sản xuất được nên hiện nay hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng thép tương đối nhiều về để sản xuất chế biến và để phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm các loại, 7 tháng đầu năm 2016 đã nhập khẩu tới 10,3 triệu tấn. Cả năm 2016, dự tính Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu tới 17 triệu tấn. Như vậy, trong quá trình phát triển của ngành thép Việt Nam, do chưa đồng bộ, chưa toàn diện nên vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn thép thành phẩm từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), vì vậy, việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng các dự án luyện thép được cho là sẽ góp phần giảm nhập siêu.

Cũng theo đánh giá của ông Sưa, hiện nay, các doanh nghiệp thép của Việt Nam đang phân tán và nhỏ lẻ, quy mô chỉ vài trăm nghìn tấn mỗi năm, lớn nhất là gần 2 triệu tấn/năm. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này vấp phải những hạn chế về tài chính, về công nghệ, về nhân lực và từ đó cũng hạn chế luôn cả về tính cạnh tranh. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam lại đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, do đó, Việt Nam phải có những doanh nghiệp đủ lớn để có thể tạo ra được những sản phẩm có tính cạnh tranh.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cũng cho hay, thép là “lương thực hay bánh mì” của quá trình công nghiệp hóa Việt Nam. Với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm, dự báo đến năm 2020, nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn/năm và sẽ vượt mức 35 triệu tấn/năm vào năm 2025. Dự báo ngay cả khi giai đoạn I Formosa vào hoạt động hoàn chỉnh, năm 2020 thiếu hụt 15 triệu tấn. Năm 2025, thiếu hụt khoảng hơn 22 triệu tấn.

Tuy nhiên, đến nay, ngành thép vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây nhập siêu trong cán cân thương mại Việt Nam. Năm 2015, cả nước nhập siêu 6,6 tỷ USD thép. Năm 2016, số lượng thép nhập khẩu tăng cao, tính đến ngày 15/8, tổng khối lượng nhập khẩu đạt 14 triệu tấn và dự kiến cả năm sẽ nhập khẩu 22 triệu tấn, giá trị nhập siêu khoảng 7 tỷ USD.

Chính vì vậy, theo đại diện Bộ Công Thương, việc Hoa Sen xây dựng dự án thép sử dụng một phần quặng sắt trong nước để tự chủ động nguồn nguyên liệu cho các nhà máy trong hệ thống và có tính đến cơ hội do AFTA và TPP mang lại là cần thiết và hợp lý.

Ông Hoài cũng nói thêm, Tập đoàn Hoa Sen là công ty cổ phần đại chúng, qui mô - tiến độ và hiệu quả kinh tế các phân kỳ dự án sẽ được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng và tự chịu trách nhiệm về đồng vốn họ đầu tư. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án theo pháp luật về đầu tư.

Vị này cũng khẳng định, theo quy định pháp luật về xây dựng hiện nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ thẩm định thiết kế cơ sở (thay vì việc chỉ góp ý thiết kế cơ sở như dự án Formosa).

Phương Anh