Ông Hoàng Nam Tiến kể về năng lực bất ngờ của ông Trương Gia Bình
(Dân trí) - Ông Hoàng Nam Tiến ví von quyết định đi ngược với đám đông của ông Trương Gia Bình cách đây 25 năm giống như việc có năng lực xuyên không.
Năng lực "xuyên không" của chủ tịch tập đoàn FPT
Tại buổi tọa đàm "Từ số 0 tới doanh nghiệp tỷ đô: Bí quyết ẩn giấu" mới diễn ra, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT - đã chia sẻ về bí mật liên quan đến chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.
Ông Tiến ẩn dụ, ông Bình có khả năng "xuyên không" về 25 năm trước để đưa ra quyết định đúng đắn. Tại "hội nghị Diên Hồng" của FPT năm 1999, ông Bình đưa ra quyết định "xuất khẩu phần mềm hay là chết". Quyết định này của ông Bình đi ngược với xu hướng các doanh nghiệp khác là kinh doanh bất động sản, mở ngân hàng.
Ông Tiến nhận xét những nhà lãnh đạo xuất sắc bao giờ cũng phải có sự khác biệt, thậm chí xuất sắc vượt trội còn phải tách biệt khỏi đám đông và xu hướng. Những lãnh đạo đặc biệt xuất sắc sẽ có những quyết định tách biệt khỏi đám đông, thậm chí những người xung quanh còn chê cười và nói rằng lầm lạc.
"Dường như những người đấy có năng lực rất đặc biệt là năng lực xuyên không. Họ quay về quá khứ, biết tương lai thành công như thế nào và chọn con đường đấy", ông Tiến ví von.
Tất nhiên hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT không hề bằng phẳng mà bắt đầu từ những thất bại. Sau một năm mở văn phòng tại Mỹ, FPT tiêu sạch tiền và không ai thuê doanh nghiệp đến từ Việt Nam làm việc. Thậm chí, ông Tiến còn thẳng thắn nhận xét thời điểm đó người Mỹ xem người FPT là "khỉ biết lập trình".
Những thất bại đầu tiên khiến nhiều người nản chí nhưng ông Trương Gia Bình vẫn kiên định, kiên trì, kiên nhẫn thậm chí lì lợm đi đến mục tiêu. Đến nay, khoảng 102 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong danh sách Fortune đang là khách hàng của tập đoàn này.
Ông Trương Gia Bình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên văn hóa doanh nghiệp - bí quyết để FPT đi từ số 0 đến con số tỷ USD.
Văn hóa doanh nghiệp quan trọng ra sao?
Tại tọa đàm, ông Wayne Besant, Phó chủ tịch HĐQT AIA Việt Nam, nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Đây là một trong 3 chân của vòng kiềng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp, gồm quy trình, con người và văn hóa doanh nghiệp.
Hiểu đơn giản, văn hóa doanh nghiệp là cách thức đội nhóm, con người trong tổ chức đó làm việc. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, văn hóa là cách thức mọi người đưa ra quyết định, tạo ra sự khác biệt của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Niềm, Phó tổng giám đốc Công ty F88 lại nhận xét văn hóa doanh nghiệp là tính trội của doanh nghiệp, gồm giá trị và hành vi biểu hiện nhất quán với nhau ra bên ngoài.
Mặc dù các doanh nghiệp hiểu rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp nhưng để quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp không phải điều đơn giản. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, những giá trị cốt lõi hay văn hóa doanh nghiệp lại là lựa chọn đứng sau các giá trị tài chính.
Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng để biết được doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp hay quản trị được văn hóa doanh nghiệp hay không thì cần phải trả lời được 3 câu hỏi. Thứ nhất, đâu là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Thứ 2, đâu là năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Thứ 3, đâu là những con người cốt lõi của doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thùy Dương, CEO TalentPool, đánh giá điều mấu chốt doanh nghiệp cần nhớ là tại sao mình làm văn hóa doanh nghiệp. Thực tế, đơn vị nào cũng đã có văn hóa doanh nghiệp dù quy mô nhỏ hay lớn. Các tổ chức tư vấn chỉ giúp định hình cũng như làm rõ hơn văn hóa sẵn có đó.
3 lỗi mà các doanh nghiệp thường gặp phải khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp được bà chỉ ra. Đầu tiên là họ không biết mình là ai. Vì vậy khi lãnh đạo doanh nghiệp thường mang những thứ hay họ của doanh nghiệp khác về cho mình.
Lỗi thứ hai là doanh nghiệp thuê tư vấn nhưng những giá trị đó không phải là giá trị cốt lõi của chính doanh nghiệp. Bà Dương cho rằng văn hóa là thứ doanh nghiệp thể hiện lúc thất bại, là trụ cột để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hay khốn đốn nhất. Lỗi thứ ba là doanh nghiệp chỉ làm văn hóa lúc vui trong khi cần làm lúc khó khăn, thử thách.