Ông Dương Trung Quốc "tiên đoán" vận mệnh doanh nghiệp

Dưới góc nhìn của lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, với hơn 60.700 doanh nghiệp giải thể, phá sản trong năm 2013, tăng gần 12% so với năm 2012 là “cuộc sàng lọc vĩ đại”.

1. “Khi đánh giá, nhận định về một hiện tượng, sự kiện, ‘người chép sử’ phải đặt sự kiện ấy trong dòng chảy của lịch sử”, Nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu cuộc trò chuyện khi phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đề nghị ông “tiên đoán” về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhà sử học Dương
Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông tiếp, trong thế giới tự nhiên cũng như trong xã hội loài người, lịch sử đã ghi nhận, mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, hầu hết những sinh vật bị chết đều do già, yếu, bệnh tật, không có sức chịu đựng và không có sức đề kháng với sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, xã hội. Sau khi thiên tai, dịch bệnh qua đi, những sinh vật tồn tại đều phát triển khỏe mạnh và sinh sôi ra thế hệ mới khỏe mạnh hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp trong khoảng 2 năm qua cũng vậy, kinh tế trong và ngoài nước gặp khó khăn đã khiến 115.000 doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động. Hầu hết trong số này đều là những doanh nghiệp yếu, mới thành lập, chưa đủ sức cũng như kinh nghiệm để vượt qua khó khăn.

Vì thế, theo Nhà sử học, sau cuộc sàng lọc vĩ đại này, Việt Nam sẽ hình thành nên một đội ngũ doanh nhân mới mạnh mẽ hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong lịch sử, giới công thương Việt Nam - từ mà Bác Hồ gọi giới chủ doanh nghiệp - đã nhiều lần bị sàng lọc. Và sau mỗi lần như vậy, họ đều vươn lên, thích ứng với môi trường mới, điều kiện mới, hoàn cảnh mới và phát triển mạnh mẽ hơn.

2 Trở lại với lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, khái niệm “doanh nghiệp” ở Việt Nam mới chỉ được sử dụng trong vòng 20-30 năm trở lại đây. Còn trước đó, khu vực “công thương nghiệp ngoài quốc doanh” là khái niệm để chỉ khu vực hoạt động sản xuất không liên quan trực tiếp đến nông nghiệp (phi nông nghiệp). Hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ nằm trong kết cấu chặt chẽ của mô hình làng xã. Việc giao lưu, buôn bán chỉ là chợ tạm, chợ chiều, chợ hôm ở đầu làng, góc sân đình; sản xuất công nghiệp chủ yếu được thực hiện trong lúc nông nhàn của các làng nghề.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những câu chuyện được dân gian truyền lại dưới dạng cổ tích như Mai An Tiêm, Chử Đồng Tử..., thì có thể thấy, sự giao lưu buôn bán với nước ngoài đã hình thành từ hàng ngàn năm trước. Còn căn cứ vào lịch sử, có thể thấy, giới doanh nghiệp Việt Nam đã ra đời từ cách đây mấy trăm năm. Trong đó, hình ảnh tiêu biểu là Phố Hiến (Hưng Yên) - một thương cảng nổi tiếng được hình thành và phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17-18, với những phố chợ tấp nập buôn bán không chỉ giữa người Việt với người Hoa, mà đã mở rộng với cả người Nhật và nhiều nước phương Tây, đặc biệt là thương nhân người Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Còn ở miền Trung, Hội An được lịch sử ghi nhận là một trong những thương cảng sầm uất, buôn bán, giao lưu với nhiều nước trong khu vực châu Á, nên cũng đã hình thành tầng lớp lao động phi nông nghiệp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam thực sự bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam và đặt ra chế độ thực dân để cai trị. Với đặc tính rất riêng là xuất thân từ làng xã, giới chủ công thương nghiệp song hành cùng dân tộc trải qua bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc luôn tìm mọi cách để tồn tại và vươn lên. Vì thế, giới chủ công thương dưới chế độ thực dân quyết không cam chịu bị giới tư bản Pháp đè nén. Họ đã tận dụng phương thức sản xuất mới, phương thức quản trị mới mà người Pháp đưa vào để khởi nghiệp và đã hình thành nên một đội ngũ tư bản bản địa cạnh tranh ngang ngửa với người Pháp và tư bản nước ngoài khác ở đầu thế kỷ XX.

Những cái tên tiêu biểu của thời kỳ ấy là Bạch Thái Bưởi, Trần Hữu Định, Lý Tường Quan, Hứa Bổn Hòa, Trần Trinh Trạch, Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu… Đặc biệt, nhà tư bản Bạch Thái Bưởi đã được nhiều doanh nhân Việt Nam sau này coi là một tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên làm giàu, thúc đẩy phát triển hàng hóa trong nước, thể hiện tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh doanh, với bằng chứng hùng hồn là sau khi mua lại các con tàu từ đối thủ nước ngoài, ông đều đặt lại tên bằng những tên Việt đã đi vào lịch sử dân tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi…

Từ chỗ “buôn thúng bán bưng”, sản xuất tiểu thủ công nghiệp lúc nông nhàn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ để trở thành một tầng lớp đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Cách mạng tháng Tám. Chính vì vậy, chỉ hơn 40 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước với niềm tin mãnh liệt: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

“Nhìn lại sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp gần 70 năm qua, có thể thấy mong đợi của Bác Hồ đã trở thành hiện thực”, ông Quốc bình luận.

3 Vai trò của doanh nghiệp tạm lắng xuống khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng miền Nam và những chính sách không phù hợp với thực tế sau khi thống nhất đất nước. Nhưng theo ông Quốc, lịch sử của doanh nghiệp bắt đầu sang trang và có sự phát triển mạnh mẽ kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Từ đó đến nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng trải qua nhiều cú sốc, nhưng cuối cùng, họ đã vượt qua một cách ngoạn mục.

Đầu tiên là việc gia nhập AFTA cùng với việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, vì không thể cạnh tranh với hàng hóa sản xuất tại các nước trong khu vực có trình độ kinh tế cao hơn.

Ngay sau khi gia nhập AFTA, Việt Nam tham gia, ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với hàng loạt nước có thế mạnh về sản xuất, kinh doanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ… Cứ mỗi khi một hiệp định thương mại tự do được ký kết là một lần dư luận dấy lên nỗi lo ngại về sự tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam trước sự cạnh tranh ngày một mạnh mẽ của doanh nghiệp toàn cầu.

Sau tất cả sự lo ngại, doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại và vươn lên mạnh mẽ. “Cứ nhìn số thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đóng vào ngân sách tăng hàng năm sẽ thấy rõ điều này”, ông Quốc nói.

Trở lại với con số 115.000 doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động trong 2 năm vừa qua, dưới góc nhìn của lịch sử và cả nhãn quan của một vị đại biểu Quốc hội hoạt động tích cực trong nghị trường suốt từ năm 2002 tới nay, ông Dương Trung Quốc không hề bi quan, mà cho rằng, đây là sự thanh lọc tất yếu để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục “lột xác”.

Cơ chế thành lập doanh nghiệp của chúng ta rất dễ dàng, vì thế, nhiều người muốn “thử vận may”, nhưng họ chưa đủ tư chất, vốn liếng, bản lĩnh nên phải rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã “thành danh” cũng chịu chung số phận khi hầu hết đều dính dáng đến bất động sản, đầu tư tài chính, đầu tư dàn trải. Sự khó khăn của nền kinh tế, sự suy giảm của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vài năm gần đây chính là liều thuốc thử tốt nhất để lựa chọn những doanh nghiệp xứng đáng tồn tại trong điều kiện mới.

“Với những doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong 2 năm vừa qua, năm 2014 và kể cả sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sân chơi có độ mở cao nhất mà Việt Nam chuẩn bị tham gia - họ sẽ tồn tại và phát triển, đương đầu, hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới như những gì mà nhà tư bản Bạch Thái Bưởi đã làm được cách đây gần một thế kỷ”, Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

Theo Hàn Tín
Đầu tư

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước