Ông chủ "tiếc rẻ" vì không biết dùng smartphone để bán hàng mùa dịch

(Dân trí) - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen của người tiêu dùng dần dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Thế nên, việc dùng smartphone để bán hàng online là giải pháp mà nhiều quán hàng đã làm.

Đều như vắt chanh, mỗi ngày quán dừa xiêm của anh Hùng (Kim Ngưu, Hà Nội) bán ra hơn 500 quả. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, anh chỉ còn bán được 100 - 200 quả/ngày. Do không biết dùng smartphone nên anh chỉ bán cho khách quen tại gia và giao sỉ cho các quán hàng.

Ông chủ tiếc rẻ vì không biết dùng smartphone để bán hàng mùa dịch - 1

kể từ ngày có dịch Covid-19, anh Hùng mất ăn mắt ngủ vì doanh thu ở quán giảm mạnh 

Anh cho hay, nhiều khách cũng khuyên anh nên học cách lên mạng, lập tài khoản facebook, tham gia các hội nhóm để bán được hàng nhiều hơn. Nhưng do anh khá kém về mặt công nghệ nên vẫn loay hoay chưa biết cách làm. Bởi vậy mà chiếc smartphone của anh tính tới thời điểm hiện tại chỉ thực hiện đúng 2 chức năng là gọi và nghe.

"Thú thật, cứ nhắc về công nghệ là tôi bó tay, smartphone hay mạng nhà đều có hết rồi nhưng chỉ có điều là biết dùng hay không" - anh Hùng thật thà nói.

Anh tâm sự, dù trước đây quán không bán online nhưng doanh thu hàng tháng vẫn tốt do lượng khách hàng lớn. Nhưng từ khi có dịch, mọi người ngại ra đường, hạn chế tụ tập đông người nên thành ra quán vắng tanh vắng ngắt. Khách đến chỉ mua mang về, chứ ít người ngồi lại uống như xưa. 

"Thế nên tôi mới nghĩ, việc mình không biết dùng smartphone là thiệt thòi cực lớn, đặc biệt trong mùa dịch. Giá như tôi biết lên mạng thì doanh thu ở quán chắc hẳn sẽ không lao dốc như hiện nay" - anh Hùng  nói.

Ông chủ tiếc rẻ vì không biết dùng smartphone để bán hàng mùa dịch - 2

Chiếc smartphone của anh Hùng tính tới thời điểm hiện tại chỉ thực hiện đúng 2 chức năng là gọi và nghe

Tương tự, cô Hơn (Nam Định), người bán hoa rong trên đường Lạc Long Quân chia sẻ, do cô không có điện thoại nên việc giao hàng đến tận nhà cho khách rất bất tiện. Nhiều khi, cô bỏ lỡ những cơ hội lớn chỉ vì không có phương tiện liên lạc. 

"Giờ ai đến mua hàng cũng hỏi tôi là có điện thoại không để họ đặt hoa mang tới tận nhà. Nhưng khổ nỗi là tôi làm gì có điện thoại nên thành ra nhiều khi thiệt thòi ở đó" - cô Hơn kể.

Tiến bộ hơn, chú Hải - thợ đánh khóa trên đường Cầu Giấy (Hà Nội)  - cho hay, dù nghỉ dịch chú vẫn có việc làm là do lượng khách gọi đến nhà sửa nhiều. Chú có thói quen để lại số điện thoại nên hễ khi cần là mọi người chỉ việc alo. Bởi vậy mà nguồn thu của chú vẫn được đảm bảo và duy trì tốt trong mùa dịch.

Ông chủ tiếc rẻ vì không biết dùng smartphone để bán hàng mùa dịch - 3

Cô Hơn ngồi tỉa những cánh hoa úa tàn

Kinh doanh online hiện là "vị cứu tinh" của nhiều quán hàng trong mùa dịch Covid-19. Gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Duy (Hà Nội) luôn "đau đầu" tìm cách xoay đủ kiểu vì cửa hàng quần áo của anh kể từ khi dịch bùng phát, lượng khách giảm mạnh, doanh thu lao dốc, trong khi hàng tháng vẫn phải bỏ ra chi phí từ 25 - 30 triệu đồng/tháng thuê mặt bằng.

Anh Duy ngậm ngùi cho biết, từ khi có dịch, người dân dường như không lui tới cửa hàng, đồng nghĩa với việc kinh doanh bị chững lại.  Để ứng phó với tình hình, anh Duy đã cho sắp xếp lại hệ thống nhân sự, chuyển đổi chiến lược kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh các kênh phân phối online nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thời dịch của khách.

“Kể từ khi triển khai chiến lược mới, cửa hàng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực, lượng khách cũ đã quay lại khoảng 30 - 40 %. Tình hình kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt và quan trọng nhất là anh em nhân viên được trở lại đi làm” - anh Duy nói.

An Chi