Ông chủ Circle K chưa từ bỏ việc thâu tóm 7-Eleven
Couche-Tard, đơn vị sở hữu chuỗi Circle K, tiếp tục đưa ra mức giá mới là 7.000 tỷ yên để mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản.
Theo Bloomberg, Couche-Tard (chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K) đã gửi cho Seven & i Holdings (chủ chuỗi 7-Eleven) một mức giá mua lại tiềm năng mới là 18,19 USD/cổ phiếu vào tháng trước, định giá nhà bán lẻ Nhật Bản này ở mức 7.000 tỷ yên.
Đề xuất này cao hơn 20% so với mức giá chào mua trước đó và giá cổ phiếu hiện tại của công ty Nhật Bản.
Sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu của Seven & i đã tăng khoảng 5%. Đề nghị mới này được cho là đã được gửi tới Seven & i vào ngày 19/9, nhưng từ đó đến nay hai bên vẫn chưa có cuộc thảo luận nào.
Sau khi đề nghị trước đó bị từ chối, Bộ Tài chính Nhật Bản đã đưa Seven & i vào danh sách các doanh nghiệp được coi là "cốt lõi" đối với an ninh quốc gia. Động thái này buộc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại công ty phải qua sự xem xét của chính phủ.
Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một công ty Nhật Bản có quy mô như Seven & i bị mua lại bởi một doanh nghiệp nước ngoài. 7-Eleven hiện là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với 85.000 cửa hàng tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chủ sở hữu của các cửa hàng 7-Eleven đã từ chối mức giá đầu tiên là 14,86 USD/cổ phiếu do nhà bán lẻ Canada gửi vào tháng 8. Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng mức giá này không phản ánh đầy đủ giá trị của Seven & i và không đủ cao để tham gia đàm phán.
Kể từ đó, Seven & i cũng đã tìm cách bán các tài sản không cốt lõi để tập trung vào hoạt động kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Đại diện Couche-Tard và Seven & i đã không trả lời các yêu cầu bình luận từ phía Bloomberg.
Mức giá thâu tóm được đề xuất thứ 2 của Couche-Tard hiện cao hơn 53% so với giá cổ phiếu Seven & i hồi giữa tháng 8. Công ty Nhật Bản dự kiến sắp báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý và có khả năng phải đối mặt với các câu hỏi về sự phản đối cách tiếp cận của Couche-Tard.
Các bên đang theo dõi sát sao diễn biến thương vụ, đây được coi là phép thử cho hướng dẫn mới của Chính phủ Nhật Bản, yêu cầu các doanh nghiệp phải xem xét nghiêm túc các đề xuất mua bán và sáp nhập (M&A).