Ninh Bình:
Nuôi ngọc trai nước ngọt kiếm tiền tỷ mỗi năm
(Dân trí) - Ngọc nuôi cấy từ trai nước ngọt ở Ninh Bình có độ dày, rất tròn, kích cỡ to, màu sắc bóng đẹp cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha nuôi trai lấy ngọc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nông dân dễ dàng kiếm tiền tỷ mỗi năm.
Thời gian gần đây, tại tỉnh Ninh Bình đang thực hiện thành công nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh. Mô hình đặc biệt này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Thu nhập kinh tế từ việc nuôi trai lấy ngọc cao gấp 5 - 10 lần so với các loại vật nuôi khác.
Anh Đặng Văn Lưu, người thực hiện nghiên cứu đề tài đặc biệt này cho biết, mô hình được triển khai áp dụng ở xã Khánh Lợi, trên diện tích 2 ha từ năm 2013. Đây là phương pháp cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài của trai nước ngọt.
“Kỹ thuật ghép cấy tiên tiến này cho ra sản phẩm ngọc trai nước ngọt hình tròn, kích thước từ 4 – 12mm, có chất lượng cao, màu sắc rất đẹp”, anh Lưu chia sẻ.
Ông Đinh Văn Việt, đơn vị đầu tư nghiên cứu, ứng dụng mô hình cho hay, Ninh Bình có rất nhiều loài trai nước ngọt sinh sống. Vì thế, việc nghiên cứu và phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc là rất hiệu quả, phục vụ du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để có được viên ngọc trai nước ngọt, ban đầu phải tìm được loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Hai loại trai này có tuổi thọ cao, sức sống bền, khi trưởng thành có kích cỡ lớn từ 20 - 35cm, trọng lượng hơn 2kg/con.
Cũng theo anh Lưu, thời gian nuôi thả trai cấy ngọc từ 18 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước ao nuôi và nhiệt độ thời tiết từng năm. Kỹ thuật ghép ngọc trai được thực hiện rất cẩn thận để trai sạch sẽ và không bị nhiễm khuẩn. Theo đó, kỹ thuật cấy ghép và nuôi dưỡng làm sao để trai không đào thải nhân, tỷ lệ trai ngậm nhân cao.
Ông Việt chia sẻ thêm: “Sau khi cấy ghép sức khỏe của trai rất yếu, vị trí các viên nhân và tế bào chưa ổn định trong túi ngọc. Quá trình thao tác phẫu thuật có những chấn thương làm cho con trai bị đau và rất dễ nhiễm trùng. Vì thế, khi nuôi dưỡng phải luôn giữ môi trường bể nuôi sạch sẽ, các thao tác thực hiện phải nhẹ nhàng mới giảm được tỷ lệ trai chết”.
Sau hai năm nuôi trồng, đến nay số trai cấy ngọc còn sống của đơn vị ông Việt đạt 55,9%, tương đương 11.200 con/ha và số ngọc trai thu được 14.300 viên/ha. Sản phẩm ngọc trai thu hoạch được phân làm sáu loại từ loại 1-5 và loại ngọc tự nhiên, trong đó có viên ngọc trị giá lên đến 5,5 triệu đồng.
“Ngoài sản phẩm chính là ngọc, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, loài trai sống ở tầng đáy bể nuôi có thể kết hợp với các loài thủy sản khác để tận dụng tầng nước mặt. Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận trên 1 ha ao nuôi đạt trên 400 triệu đồng/năm.
Đến nay, trai nuôi nước ngọt ở Ninh Bình đã cho ra thị trường ba dòng sản phẩm ngọc gồm: ngọc trai tròn, ngọc trai cấy mô, ngọc trai hình tượng. Các sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu tại Ấn Độ, Nhật Bản, Hà Nội, TPHCM...
Gia đình bà Đinh Thị Ân có 1.400m2 ao, trước đây chỉ nuôi các loại cá truyền thống không mấy hiệu quả. “Khi được chuyển giao kỹ thuật, cung cấp về con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thu nhập của gia đình tôi cao hơn nhiều lần so với nuôi các loại cá truyền thống trước đây”, bà Ân nói.
Không chỉ gia đình bà Ân mà một số gia đình khác tại địa phương hiện cũng đang nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.
Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho hay, mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc rất mới. Kết quả đạt được ban đầu cho thấy có thể nhân rộng được nghề này.
“Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện như tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Khi nuôi trồng thành công sẽ nhân rộng ra phát triển ở diện tích ao hồ các huyện như: Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn”, ông Lễ nói.
Thái Bá