1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nước mắm Phú Quốc: Chỉ 5-8% là hàng thật!

Ước tính hàng năm, thị trường tiêu thụ khoảng 180-200 triệu lít nước mắm nhãn hiệu… Phú Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà thùng chính hiệu ở Phú Quốc chỉ chiếm khiêm tốn từ 5-8% tức khoảng 10 - 12 triệu lít/năm.

Phần lớn hàng hóa còn lại được gọi là “nước mắm Phú Quốc” chủ yếu là hàng dỏm, hoặc muối pha với tinh chất. Thông tin do Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đưa ra làm người tiêu dùng hết sức ngỡ ngàng.

“Giả” từ bên ta đến bên tây...

Nước mắm Phú Quốc có lịch sử phát triển gần 2 trăm năm nay. Với màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị mặn, ngọt có vị béo của đạm đã tạo ra ưu thế tuyệt đối của nước mắm Phú Quốc. Cuối thế kỷ 19, người dân trên đảo Phú Quốc đã bán nước mắm sang Campuchia, Thái Lan…

Hiện nay, nước mắm Phú Quốc đã xuất sang một số nước châu Âu... Ông Đặng Hồng Phát, chủ doanh nghiệp Hưng Thành 1 ở Phú Quốc cho biết, nghề này tuy đơn giản nhưng phải có bí quyết mới làm ngon được.

Theo ông Phát, tìm được nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm rất khó, phải là cá cơm sọc tiêu, cá cơm than, cá cơm phấn chì và phải bắt tại vùng biển Phú Quốc, cá nơi khác không bằng. Muối ướp mua về từ Bà Rịa-Vũng Tàu không phèn, không tạp chất; muối ở các vùng khác ướp không ngon. Chưa kể điều kiện khí hậu, nguồn nước, tay nghề.

Không riêng gì ông Phát, nhiều nhà thùng lâu năm ở Phú Quốc cho rằng dù cùng một nguyên liệu và cách ướp cá, nhưng khi mang vào đất liền sản xuất, chất lượng kém xa so với sản xuất tại đảo.

Nước mắm Phú Quốc làm ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu. Do vậy, thị trường trong và ngoài nước nhan nhản thương hiệu này. Khắp các siêu thị, chợ, cửa hàng, đi đâu cũng thấy nước mắm Phú Quốc. Tại Thái Lan, Hồng Công cũng có “nước mắm Phú Quốc”; trên thị trường châu Âu, thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng bị tranh chấp.

Gần đây Đài Viễn thông khu vực Phú Quốc bị quá tải vì có đến 50 doanh nghiệp nước mắm đăng ký ADSL lập website để quảng bá thương hiệu, chiếm 1/4 thuê bao toàn huyện. Tuy nhiên, trên không gian ảo cũng đang xảy ra tình trạng mạo nhận nước mắm Phú Quốc.

Nước mắm thật phải ở ngay Phú Quốc

Giữa năm 2001, Cục Sở hữu Công nghiệp đã công nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc. Chỉ những cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc mới được sử dụng tên gọi này. Đồng thời, các doanh nghiệp trên đảo cũng phải đăng ký thương hiệu riêng cho mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng, để bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc, ngày 16/5/2005, Bộ Thủy sản đã ban hành Quy chế tạm thời về kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc và Quy định tạm thời về sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc.

Theo đó, cá dùng để chế biến phải là giống cá cơm (tên gọi khoa học là Stolephorus) thuộc dòng họ cá trỏng (Engraulidae) gồm các loại (theo tiếng địa phương): cá cơm than, cá cơm đỏ, cá cơm sọc tiêu, cá cơm sọc phấn và cá cơm phấn chì được đánh bắt bằng lưới vây (để đạt kích cỡ lớn) trên vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang. Tỷ lệ cá cơm trong cá nguyên liệu không nhỏ hơn 95%.

Quy định còn nêu rõ: để được mang tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc, quá trình chế biến nước mắm từ khi đổ chụp lên đến lúc ra thành phẩm, đóng gói phải được tiến hành trong khu vực địa lý huyện đảo Phú Quốc; nước mắm được chế biến tại đảo Phú Quốc nhưng đóng gói (chai hoặc can) ở nơi khác vẫn không được phép mang tên nước mắm Phú Quốc.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc của TPHCM, Bộ Thủy sản cho phép nước mắm sản xuất tại Phú Quốc đóng gói tại TPHCM được mang tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc với thời hạn 3 năm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đang xúc tiến đăng ký tên gọi này tại thị trường châu Âu. Vấn đề bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã được đưa ra thảo luận tìm giải pháp từ hơn 5 năm nay nhưng đến thời điểm này “nước mắm Phú Quốc dỏm” vẫn tràn lan trên thị trường, chưa một “nhà làm lậu” nào bị xử lý.

Theo Trần Minh Trường
Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm