Nữ tỷ phú hãng bay lý giải lợi nhuận công ty biến động sau kiểm toán

(Dân trí) - Dù lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietjet Air vẫn đạt gần 122 tỷ đồng, nhưng con số này lại sụt giảm 5% so với số liệu tự lập của hãng.

Lợi nhuận công ty bà Phương Thảo biến động sau kiểm toán

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên đã được soát xét bởi hãng kiểm toán PwC Việt Nam.

Đáng chú ý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet Air ghi nhận đạt 7.556 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và giảm 10% so với báo cáo tài chính do hãng tự lập trước đó. 

Nữ tỷ phú hãng bay lý giải lợi nhuận công ty biến động sau kiểm toán - 1

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty vẫn đạt gần 122 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này lại sụt giảm 5% so với số liệu tự lập của Vietjet Air.

"Nguyên nhân cho sự biến động này là do Vietjet đánh giá lại một số chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi nhận giảm trích trước chi phí, giảm chi phí phân bổ và nhờ đánh giá lại các khoản thu nhập tài chính" - lãnh đạo Vietjet Air nêu trong văn bản giải trình. 

Nữ tỷ phú ước mơ làm cô giáo

Trước đó, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ Chủ tịch sáng lập Vietjet Air cho biết, ước mơ sau khi tốt nghiệp đại học là có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"... là đủ. 

Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế - perestroika - một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, bà Thảo nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.

Trường Đại học Plekhanov nơi nữ tỷ phú học có nhiều chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau. Thầy giáo của nữ tỷ phú là chủ tịch quốc hội thời đó. Do đó, từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bà Thảo phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của bà để quyết định làm kinh doanh. Nữ Chủ tịch chia sẻ, khi đó bà mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.

Nữ tỷ phú có 2 bằng cử nhân, 1 bằng tiến sĩ: Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế quốc dân Moscow, tiến sĩ ngành điều khiển học kinh tế của học viện Mendeleev.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lấn sân sang viễn thông

Tuần qua, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thông qua công ty con The Sherpa đã mua lại 70% cổ phần Công ty Cổ phần Mobicast, tổng giá trị tiền mặt lên tới 296 tỷ đồng.

Mobicast là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực mạng di động ảo, sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Các công ty mạng di động ảo cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông, hợp tác với các nhà mạng di động truyền thống để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn, cơ sở hạ tầng có sẵn để cung cấp dịch vụ viễn thông.

Động thái mua lại công ty mạng di động ảo nằm trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng "tất cả trong một" của Masan. Sau khi mua lại Mobicast, Masan dự kiến sẽ đưa nhà mạng di động ảo này tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ của mình.

6 tháng, lợi nhuận của Yeah1 chưa đến 2 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống  vừa công bố doanh thu đạt 600 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Nhưng giá vốn quá cao đã bào mòn gần như toàn bộ lợi nhuận gộp của Yeah1.

Theo đó, lợi nhuận gộp trong 6 tháng của Yeah1 chỉ vỏn vẹn chưa đến 2 tỷ đồng. Lợi nhuận quá thấp so với các khoản chi phí bị đội lên của doanh nghiệp. Trong đó, tổng chi phí cho nhân sự tăng tới 46 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020. Hậu quả, Yeah1 lỗ sau thuế 197 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm