Nữ doanh nhân biến nhiều điều không thể thành có thể

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tôn vinh nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là 1 trong 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á, Tạp chí Business Insider Australia đã đánh giá bà Thảo là người để "làm những điều khác biệt".

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), cùng điểm lại những điều khác biệt, những điều "không thể" đã được CEO Vietjet biến thành "có thể".

Từ triệu phú USD ở tuổi 21 đến nữ tỉ phú tự thân đầu tiên tại Việt Nam

Những năm 90 của thế kỷ trước, bà Phương Thảo đã cho thấy tài năng kinh doanh thiên bẩm, cùng với chữ tín và sự chăm chỉ khi còn là một sinh viên đang học tập ở nước ngoài. Cô gái trẻ gốc Hà Nội đã khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối hàng điện tử, máy văn phòng, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên... để tích lũy số vốn ban đầu.

Nữ doanh nhân biến nhiều điều không thể thành có thể - 1
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người biến những điều không thể thành có thể (ảnh: H.Tài) 

Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường ở Đông Âu, châu Á, bà Thảo mở rộng kinh doanh sang những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, thiết bị, phân bón và một số loại sản phẩm công nghiệp nặng khác… Năm 21 tuổi, cô sinh viên Phương Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên - điều mà người trẻ cùng trang lứa không dám mơ đến.

Hiện thực hóa giấc mơ bay

Mất 10 năm nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình hàng không chi phí thấp, bà Phương Thảo bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ bay với hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Vietjet ra đời là tâm huyết của những cổ đông sáng lập người Việt, tạo ra hãng hàng không phục vụ người dân và đưa ngành hàng không cũng như hình ảnh kinh tế tư nhân Việt Nam sang một trang mới.

Ra đời trong sự hoài nghi bởi ở Việt Nam, không ai nghĩ rằng doanh nghiệp tư nhân có thể sải cánh trên bầu trời. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội, đánh dấu một sự kiện chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam.

"Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu. Chúng tôi đã có quyết định rất khác thường là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình", bà Thảo chia sẻ.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ em đến cụ già, dù đi công tác, thăm thân hay du lịch, hàng không đều là sự lựa chọn đầu tiên phù hợp nhất với túi tiền và nhu cầu đi lại của đại bộ phận người Việt.

Năm 2020, Vietjet đã đón lượt khách thứ 100 triệu, trở thành nhà vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất Việt Nam.

Sự phát triển của Vietjet không những hiện thực hóa giấc mơ bay của hàng triệu người dân mà còn mang đến những thay đổi tích cực trong ngành hàng không, thúc đẩy xây mới và nâng cấp các sân bay, kéo theo hàng loạt các dịch vụ mặt đất, xăng dầu, kỹ thuật, cung ứng, đào tạo…, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Theo thống kê, mỗi 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành cùng 0,5% tăng trưởng GDP.

Nữ doanh nhân biến nhiều điều không thể thành có thể - 2
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người đã góp phần tạo ra Vietjet, hãng hàng không phục vụ người dân (ảnh: H.Tài) 

Trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á về vốn hóa thị trường

Ngày 28/02/2017, Vietjet đã chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, mã VJC. Đến bây giờ, đây vẫn là một trong những lần niêm yết của doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế Red S, thu hút đông đảo nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức lớn nhỏ…

VJC lập tức tạo nên sự thay đổi trong chỉ số VN30 và liên tục lọt vào mục tiêu đầu tư của các Quỹ FTSE Vietnam Index, V.N.M. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư VJC đã được tăng 177% giá trị sau 3 năm.

Với số vốn điều lệ ban đầu là 600 tỉ đồng. Đến hết năm 2020, tổng tài sản của Vietjet đã vượt 3 tỉ USD (khoảng 70.000 tỉ đồng). Phát triển thần tốc, Vietjet trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á về vốn hóa thị trường do những chỉ tiêu tài chính và hoạt động vượt trội.

Đàm phán nhiều hợp đồng lớn với Airbus và Boeing

Mỗi hợp đồng mua tàu bay trị giá hàng tỉ USD của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đều trở thành tâm điểm của thị trường hàng không toàn cầu.

Ngày 23/5/2016, bà Thảo đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing trị giá 11,3 tỉ USD. Ngày 2/11/2018, bà đặt mua 50 tàu bay A321neo của Airbus trị giá 6,5 tỉ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất. Ngày 1/11/2019, CEO Vietjet tiếp tục ký kết hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thế hệ mới A321XLR của Airbus, chuẩn bị đưa vào khai thác dòng tàu bay tầm xa, phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế, đặt mục tiêu phục vụ một nửa dân số thế giới…

Ông John Leahy, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus, gọi bà Thảo là "người phụ nữ thú vị nhất trong đàm phán" bởi bà có sự kiên định bên trong vẻ ngoài dịu dàng mỗi khi đàm phán những giao dịch tỷ USD - điều mà thị trường hàng không toàn cầu không dễ gì chứng kiến.

Nữ doanh nhân biến nhiều điều không thể thành có thể - 3
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Sovico và Liên hợp quốc (ảnh: Nguyễn Khánh) 

Liên tục được vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Trong những doanh nhân ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít người nhiều lần được vinh danh trên phạm vi toàn cầu.

Tháng 11/2018, Tổng thống Singapore và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN đã trao cho bà Thảo hai giải thưởng là Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và Nữ doanh nhân xuất sắc Việt Nam.

Năm 2019, CEO Vietjet góp mặt trong sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới do Forbes công bố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bà Thảo có tên trong danh sách này.

Ngoài ra, Bloomberg cũng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những nhân vật toàn cầu như Tổng thống Nam Phi, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Giám đốc tài chính của Microsoft, Ngoại trưởng Canada…

Trở thành đối tác của Liên hợp quốc

Tháng 9/2020, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, đã ký biên bản ghi nhớ giữa Liên hợp quốc và Sovico, mở ra một chương hợp tác phát triển mới tại Việt Nam, là dấu mốc cho quan hệ hợp tác chiến lược tiên phong của một tập đoàn Việt Nam với Liên hợp quốc nhằm nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Nữ doanh nhân biến nhiều điều không thể thành có thể - 4
Tổng thống Mỹ Donald Trump chúc mừng CEO Vietjet tại lễ ký kết hợp đồng mua máy bay giữa Vietjet và Boeing năm 2019 (ảnh: Việt Dũng) 

Ông Kamal Malhotra bày tỏ hy vọng Sovico sẽ là tấm gương truyền cảm hứng cho các tập đoàn, doanh nghiệp khác của Việt Nam có hành động thiết thực để cùng hiện thực hóa một tương lai bền vững cho Việt Nam.

Truyền cảm hứng về lòng nhân ái

Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không là chỉ người có "tấm lòng vàng", tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện mà còn là người truyền cảm hứng về lòng nhân ái đến với đội ngũ nhân viên, xem đó là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng trăm phi công, tiếp viên, nhân viên Vietjet đã tham gia chiến dịch giải tỏa hành khách bằng nhiều chuyến bay miễn phí, nhiều chuyến bay không tải một chiều, đưa người dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về lại quê hương. Tất cả phi hành đoàn, hàng nghìn nhân viên và hành khách của Vietjet đều an toàn tuyệt đối, không có ai nhiễm bệnh.

Tại Ngân hàng HDBank, nơi bà Phương Thảo là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT, ngân hàng đã cung cấp các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do Covid-19. HDBank còn trao tặng 1.000 giường y tế cao cấp cho Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, trao hàng nghìn thẻ bảo hiểm y tế để người dân chăm sóc sức khỏe mùa dịch bệnh…

Cán bộ công nhân viên của bà đã tổ chức bếp ăn từ thiện luôn đỏ lửa từ nhiều năm nay. Riêng trong mùa dịch, bếp ăn này đã dành hàng trăm ngàn suất ăn cho những người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm trong nhiều tháng diễn ra đại dịch.

Bản thân bà Phương Thảo đã sử dụng quỹ từ thiện cá nhân, thông qua sự phối hợp giữa Vietjet và Hãng sản xuất máy bay Airbus để tặng 2,5 triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

Với việc biến những điều không thể thành có thể, nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đúng với tên gọi người sinh ra để "làm những điều khác biệt".

Dẫn dắt Vietjet vượt qua đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã tàn phá kinh tế toàn cầu nói chung và đưa không ít hãng hàng không về lại vạch xuất phát, thậm chí là con số âm. Tuy nhiên, với năng lực điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự, Vietjet vẫn trụ vững trong đại dịch với kết quả kinh doanh khả quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy Vietjet ghi nhận mức lãi 47 tỉ đồng. Hãng cũng thực thi chính sách không sa thải nhân viên, đảm bảo duy trì việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên - điều mà nhiều hãng hàng không với lịch sử lâu đời đã không thể làm được.