1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

An Giang:

Nông nghiệp là "bệ đỡ" để kinh tế vượt qua thách thức do dịch Covid-19

(Dân trí) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, với một tỉnh đặc thù như An Giang thì nông nghiệp vẫn giữ vai trò "bệ đỡ" quan trọng trong phát triển kinh tế.

Nhiều hướng đi mới

Nhằm nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang, ngày 21/4 và 24/4, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cùng đoàn công tác của tỉnh An Giang đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Tri Tôn, huyện Châu Phú.

Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao việc chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như sợ nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất bình thường của các Hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu trong quá trình sản xuất, lãnh đạo các Hợp tác xã, chủ các doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.

Nông nghiệp là bệ đỡ để kinh tế vượt qua thách thức do dịch Covid-19 - 1

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thăm HTX trồng xoài VietGap ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã đến thăm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn.

Khi tham gia vào Hợp tác xã, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của các xã viên luôn được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu với giá cả ổn định, nên thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát song những vấn đề tiêu thụ xoài của hợp tác xã vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí, có thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho đối tác.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây là hướng đi đúng của Hợp tác xã và cần tiếp tục mở rộng, thu hút thêm nhiều xã viên cùng tham gia để mở rộng diện tích, tăng sản lượng, hướng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Bình cũng yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn nghiên cứu xây dựng thêm một số hồ thủy lợi có trữ lượng lớn trên địa bàn, vừa đảm bảo nước tưới cho các hoạt động nông nghiệp, vừa phục vụ phòng, chống cháy rừng.

Nông nghiệp là bệ đỡ để kinh tế vượt qua thách thức do dịch Covid-19 - 2

Vùng trồng chuối theo công nghệ cao với diện tích trên 100ha xã Tân Tuyến

Thăm vùng nguyên liệu hơn hơn 100 ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vui mừng vì hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, bất chấp các ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt cho biết, sản phẩm chuối cấy mô của công ty được canh tác theo quy trình an toàn sinh học nên rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là thị trường Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Trung Đông… Hơn nữa, nhờ chủ động trong khâu xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong thời gian qua không bị đình trệ.

Còn ông Trịnh Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú chia sẻ, giữa lúc thị trường lúa gạo Việt Nam đang bị bão hòa, bởi ai cũng có thể kinh doanh, xuất khẩu gạo, thì công ty quyết định đi theo hướng kinh doanh gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng không chỉ để xuất khẩu mà còn tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nắm bắt cơ hội

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, dù vậy tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý 1/2020 vẫn cơ bản giữ ổn định. Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) đạt 4,75%; năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt trên 72 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu đạt 217 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ...

Bên cạnh những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh An cho rằng, nhìn ở khía cạnh tích cực, đợt dịch bệnh này sẽ mang đến không ít những thay đổi lớn, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu. Đây là bài học để các doanh nghiệp của tỉnh An Giang đánh giá lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường” và là cơ hội để tái cấu trúc, các doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi mới ở các ngành nghề kinh doanh, bạn hàng mới.

Nông nghiệp là bệ đỡ để kinh tế vượt qua thách thức do dịch Covid-19 - 3

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 thì nông nghiệp được xem là bệ đỡ để kinh tế An Giang cũng như nhiều địa phương khác phát triển

Rủi ro của ngành này nhưng cũng có thể là cơ hội của ngành khác. Ví dụ, khi xảy ra dịch bệnh thì ngành sản nông nghiệp của tỉnh An Giang vẫn duy trì mức tăng trưởng hơn 3,8%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2019 (quý 1 năm 2019 tăng trên 3%).

“Đã đến lúc, cần thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân. Trước đây, bà con sản xuất chỉ chạy theo sản lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, thì nay, thị trường và khách hàng lại quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng. Người tiêu đang chuyển dần từ thói quen “ăn no” sang “ăn ngon”, vì vậy sản phẩm phải sạch, ngon, đầy đủ dinh dưỡng”, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Theo ông Bình, sản lượng, số lượng có thể giảm, nhưng giá trị nông sản phải tăng lên. Đây là hướng đi bền vững mà các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản trên đại bàn tỉnh cần hướng đến.

Nông nghiệp là bệ đỡ để kinh tế vượt qua thách thức do dịch Covid-19 - 4

Năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt trên 72 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu đạt 217 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, chất lượng xuất khẩu theo yêu cầu của từng thị trường.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao...

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ nông sản...

Nguyễn Hành - Minh Anh