“Nội soi” mô hình tập đoàn

Kinh doanh thua lỗ, nợ nần "ngập đầu", trong đó là thủ phạm chính của nhiều khoản nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước nói chung và các "ông lớn" tập đoàn kinh tế nói riêng đã đánh mất niềm tin của thị trường.

Tái cơ cấu thực ra còn là một cách nói nhẹ nhàng, nếu nói sòng phẳng thì đã đến lúc phải dỡ ra làm lại. Mô hình các tập đoàn thí điểm cần được mổ xẻ một cách minh bạch.

 

Luật Doanh nghiệp Việt Nam (2005) và Nghị định hướng dẫn thi hành coi liên kết về vốn là liên kết cơ bản trong các tập đoàn kinh tế. Mô hình công ty mẹ - công ty con là mô hình chủ đạo trong cấu trúc tập đoàn. Luật đưa ra mức “trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty” làm căn cứ xác định quan hệ công ty mẹ- công ty con trong tập đoàn.
 
“Nội soi” mô hình tập đoàn

 

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Thông tư số 242/2009/TT-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ Tài chính, công ty nhà nước  phải thực hiện hạn chế các hình thức đầu tư như: công ty con không được đầu tư góp vốn vào công ty mẹ; công ty con, doanh nghiệp phụ thuộc công ty mẹ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa đơn vị trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp mẹ - con. Như vậy, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay chỉ cho phép tồn tại ở mô hình cấu trúc đơn giản (mô hình đầu tư đơn cấp).

 

Tại một hội thảo khoa học do Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ Jürgen Keßler đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ, quốc gia châu Âu này đang sử dụng mô hình tập đoàn đa cấp để tăng sức mạnh cho liên kết tập đoàn.

 

Pháp luật Đức quy định về việc sở hữu chéo cổ phần giữa công ty mẹ và công ty con. Quy định này chỉ áp dụng với các công ty thành lập tại Đức mà không áp dụng cho các công ty thành lập tại nước ngoài tiến hành đầu tư vào Đức. Pháp luật Đức để cho các thành viên trong nhóm công ty tự do trong việc sở hữu chéo cổ phần, các công ty mẹ có thể nắm giữ cổ phần, phần vốn góp của công ty con, đồng thời các công ty con cũng có thể nắm giữ cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ.

 

Tuy nhiên, điểm đặc biệt của pháp luật Đức là cho phép các công ty sở hữu chéo số cổ phẩn chi phối lẫn nhau. Theo đó, một công ty vừa là công ty chi phối, vừa là công ty bị chi phối, vừa là công ty mẹ vừa là công ty con. 

 

Kinh nghiệm xây dựng tập đoàn tại Hàn Quốc cũng rất đáng xem xét với sự thành công trong thời gian vừa qua. Mô hình tập đoàn kinh tế tại Hàn Quốc có cả cấu trúc kim tự tháp và sở hữu chéo. Về cấu trúc kim tự tháp trong mô hình tập đoàn kinh tế tại Hàn Quốc cũng chỉ gồm hai hoặc ba cấp. Các công ty trong tập đoàn kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đầu tư đa ngành, và có thể nắm cổ phần của nhau.

 

Cấu trúc này đảm bảo cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế tại Hàn Quốc rất ổn định, có nhiều động lực về công nghệ, thương hiệu và tài chính để phát triển. Mặc dù vậy, mô hình này cũng đang gặp những khó khăn do yếu tố quản lý gia đình trị tại Hàn Quốc, đồng thời, sự bảo lãnh chéo giữa các công ty trong tập đoàn cũng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi nền kinh tế suy yếu toàn diện.

 

Trở lại với tình hình Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng nên áp dụng chế độ đa cấp cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước do những ưu điểm của mô hình này.

 

Nhưng theo ThS. Vũ Phương Đông, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, khi năng lực quản lý nguồn vốn đầu tư kinh doanh tại các tập đoàn cũng như việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn đang đứng trước nhiều thách thức, thì quy định mô hình tập đoàn kinh tế đơn cấp là phù hợp hơn.

 

Hơn thế nữa, chỉ nên quy định tập đoàn có ba hoặc bốn cấp là phù hợp, không nên để các tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển đến cấp năm, cấp sáu, ”cháu chắt” như hiện nay, rất khó quản lý dòng vốn.

 

 Tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2013 vừa diễn ra tại Nha Trang, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam đã đưa ra một con số gây sốc: ước tính, nếu cộng cả những khoản nợ tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, “tổng nợ xấu ước tính nửa triệu tỷ đồng”.

 

Hồi tháng 1, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ khi báo cáo về tình hình tái cơ cấu và đính hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước trong năm 2013  cũng đã đã công bố con số gây choáng váng. Theo đó, tổng số nợ phải trả của các đơn vị này lên tới 1.334.903 tỷ đồng.

 

Theo Mai Hoa

Pháp Luật VN