Đà Nẵng:
Nợ xấu chiếm tỷ lệ 3,52% trên tổng dư nợ
(Dân trí) - Sáng 16/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp giải quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn liên quan đến công tác thi hành án.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, nợ xấu đến tháng 6/2013 là 1.816 tỷ đồng, giảm 15,22% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ 3,52% trên tổng số dự nợ. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước là 1,84%; ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 1,68%.
Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến cuối tháng 06/2013 thực hiện là 51.636 tỷ đồng, tăng 1,77% so với cuối năm 2012. Dư nợ khối các tổ chức tín dụng nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối đạt 21.882 tỷ đồng, giảm 2,44%; khối ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài đạt 29.755 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2012.
Theo ông Võ Minh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho biết, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Có những doanh nghiệp mà ngân hàng đã khởi kiện và có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án thì doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nên Tòa đã tuyên bố mở thủ tục phá sản. Do đó, việc xử lý nợ thực hiện theo các thủ tục phá sản. Đối với các tài sản cố định của doanh nghiệp thì được Tổ quản lý và thanh lý tài sản (Tổ này do Tòa án thành lập) phát mại tương đối nhanh nhưng đối với các khoản thu của doanh nghiệp thì hầu như không thu hồi được, Ngân hàng muốn xuất toán các khoản nợ tồn đọng này nhưng theo quy định phải có quyết định phá sản thì mới đủ thủ tục. Tuy nhiên, khi chưa thu hồi xong các khoản phải thu của doanh nghiệp thì Tòa án không thể ra quyết định phá sản được. Mặc khác, Tổ quản lý và thanh lý tài sản không có đủ chi phí để đi thu hồi công nợ của doanh nghiệp nên sau khi phát mãi xong tài sản cố định thì hầu như hồ sơ đứng yên, không thay đổi vì không có kinh phí. Do vậy, hồ sơ phá sản của doanh nghiệp cứ thế tồn đọng từ năm này qua năm khác.
“Về việc cưỡng chế thi hành án và quản lý tài sản thi hành án, các cơ quan thi hành án ở các quận, huyện xử lý khác nhau dựa trên điều 58 của Luật thi hành án, thông thường khi kê biên cưỡng chế tài sản thi hành án thì tài sản thi hành án được giao lại cho cơ quan thi hành án quản lý (trừ tiền mặt, kim loại quý, đá quý). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tài sản kê biên lại giao cho người bị thi hành án quản lý sử dụng, dẫn đến việc xử lý tài sản về sau rất là khó khăn cho ngân hàng”, ông Minh nói.
Khánh Hồng