Nợ công của Mỹ lần đầu vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD

(Dân trí) - Bộ Tài chính Mỹ cho biết khối lượng nợ của Mỹ đã chạm mức 14.001 tỷ USD tính tới ngày 19/1. Đây là lần đầu tiên khối lượng nợ của Mỹ vượt quá 14.000 tỷ USD và gần lên tới mức nợ trần 14.294 tỷ USD mà chính phủ được phép vay nợ.

Trong thư gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cho biết Bộ Tài chính có thể áp dụng các biện pháp nhằm trì hoãn nợ công chạm mức trần, song những nỗ lực đó chỉ có tác dụng trong vài tuần.

Theo ông Geithner, nợ quốc gia có thể chạm mức trần trong khoảng thời gian từ ngày 31/3 tới 16/5. Ông cảnh báo nếu không tăng giới hạn nợ, có thể xuất hiện "một thảm họa" nguy hiểm như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Theo các chuyên gia về ngân sách và nợ, nếu chạm mức nợ trần và các nhà hoạch định chính sách không đạt được thỏa thuận nâng mức nợ trần mới, Bộ Tài chính sẽ bị cấm vay mượn thêm từ các nguồn bên ngoài. Nếu điều đó xảy ra, Washington sẽ không có khả năng thanh toán cho các chủ nợ trái phiếu hay các chương trình tài trợ và trợ cấp do tiền thuế thu được không đủ để trang trải tất cả các khoản chi tiêu.

Các chuyên gia cho rằng tác động hệ thống sẽ diễn ra không chỉ bên trong nước Mỹ mà chắc chắn sẽ lan tới các nền kinh tế và các thị trường trên toàn cầu. Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ định một nhà điều hành doanh nghiệp nổi tiếng làm người đứng đầu ban cố vấn kinh tế.

Ông Jeffrey Immelt, Tổng Giám đốc điều hành công ty General Electric (GE) sẽ thay thế cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Paul Volcker trên cương vị người đứng đầu Ban Cố vấn phục hồi kinh tế của tổng thống. Ban này sẽ được đổi tên thành Hội đồng về việc làm và cạnh tranh của tổng thống khi sứ mệnh ban đầu của ủy ban hết hạn vào ngày 6/2.

Trong khi đó, trong thông điệp liên bang sắp tới, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào vấn đề tạo công ăn việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy chi tiêu cho giáo dục và nghiên cứu, đồng thời cắt giảm món nợ đang gia tăng của nước này.

Tổng thống Obama hy vọng chương trình nghị sự này sẽ được sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa đối lập, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội bị chia rẽ (Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát).

Giới phân tích nhận định việc Tổng thống Obama tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế là tín hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách từ tập trung ổn định kinh tế ngắn hạn sang tăng trưởng lâu dài và ổn định.

Theo Tổng thống Obama, để nền kinh tế Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn, Washington cần đầu tư để có một lực lượng lao động trình độ cao, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, nâng cấp hệ thống đường sá, sân bay.

Theo TTXVN/Vietnam+