Những triết lý ấn tượng trong buổi giao lưu của “cô gái Việt tỷ đô”
Trong 2 giờ đồng hồ ngắn ngủi giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử Dân Trí, Trần Uyên Phương đã gây ấn tượng mạnh bằng sự tự tin và tư duy khác biệt.
Buổi giao lưu trực tuyến với người kế nhiệm mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD của Tân Hiệp Phát diễn ra vào chiều ngày 21/6.
Ấn tượng đầu tiên, đó là số lượng câu hỏi gửi về cho ban tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến rất lớn. Hàng trăm các câu hỏi được đưa ra về đầy đủ các khía cạnh như: Bài học thành công, triết lý kinh doanh, chuyện đời tư và cả các câu chuyện khủng hoảng truyền thông…
Trần Uyên Phương đã giao lưu với độc giả bằng cách tự viết câu trả lời bằng smartphone rồi gửi cho biên tập viên mà không cần đến sự trợ giúp của người gõ văn bản thông thường như các cuộc giao lưu trực tuyến khác. Cô hào hứng chọn những câu trả lời “khó nghe” nhất để trả lời.
Sự am hiểu, tự tin, kiến thức đồ sộ và tư duy khác biết đã giúp Uyên Phương có những câu trả lời khiến không ít độc giả bất ngờ.
Lý do không thể to hơn mục đích
Bạn đọc Tuan Pham ở Hà Nội đặt câu hỏi: Một người sở hữu khối tài sản lớn như cô và gia đình, quỹ thời gian mỗi ngày của cô như thế nào? Tôi chắc là vòng quay công việc sẽ rất khủng khiếp.
Trần Uyên Phương trả lời bằng cách kể chuyện: Tháng 5 vừa rồi, tôi vừa hoàn tất chạy 21 km tại Đà Nẵng, ban đầu tôi nghĩ không đời nào tôi làm được. Sau đó, tôi nói với ba tôi tôi sẽ ra mắt sách để kịp tặng ba vào “Ngày của Cha” và trước “Ngày Gia đình Việt Nam”.
Ba tôi và rất nhiều người không tin tôi làm được. Tôi nghiệm ra qua cuộc đời ba tôi và chính cuộc sống của mình, những câu chuyện mà anh có thể tìm thấy trong cuốn “Chuyện nhà Dr.Thanh” - lý do không thể to hơn mục đích!
Nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta sẽ làm được. Các bạn có thể đọc thấy rất nhiều câu chuyện gục ngã trong cuốn sách nhưng có niềm tin chúng ta sẽ vượt qua.
Nếu làm giàu không khó thì không biết làm gì khó
Một bạn đọc tại Quảng Ninh đặt câu hỏi: Có đúng là làm giàu không khó không, thưa cô Uyên Phương? Tôi thì tôi chẳng tin như thế. Tôi đang làm việc điên cuồng đây mà mãi chỉ lừng chừng, không có gì tiến triển suốt mấy năm nay.
Uyên Phương đưa ra câu trả lời trái ngược hẳn với các cuốn sách dạy lý thuyết làm giàu: Nếu làm giàu không khó thì cháu không biết làm gì khó. Ba cháu vẫn nói gần như trong tất cả các buổi họp của bộ phận marketing là “kinh doanh có lời rất khó”.
THP bây giờ đã phát triển được 23 năm. Ở năm thứ 20, ba cháu phát biểu “đó là 20 năm làm nháp, bây giờ mới bắt đầu”. Cháu mong chú tìm được sự đồng cảm qua cuộc đời và sóng gió mà ba cháu đi qua.
Cho con gái gia sản tỷ đô, nhưng yêu cầu… trả lãi
Độc giả Hoàng Mạnh Tiến, một doanh nhân ở Hải Dương hỏi: Để kế thừa doanh nghiệp có giá trị cả tỷ USD, ba chị có đặt điều kiện gì với chị không? Ví dụ như phải lấy một người chồng là doanh nhân lớn chẳng hạn?
Nữ Phó TGĐ Tân Hiệp Phát cho biết: Trong gia đình tôi, chúng tôi hiểu rõ, thừa kế là trách nhiệm chứ không phải là quyền lợi. Điều kiện của ba tôi cho bất cứ người kế nhiệm của gia đình là: Phải chuyển giao toàn bộ tài sản cho thế hệ tiếp theo, cộng tiền lãi.
Thêm một câu hỏi khá hóc búa của bạn Hải Anh từ Hà Nội: Việc ông Thanh chọn chị làm người kế nhiệm mà không phải em gái Phương có khiến gia đình xảy ra cạnh tranh quyền lực không?
Cô cho rằng, cơ hội này mở cho tất cả mọi nguời chứ không chỉ là “con cha cháu ông”: Gia đình tôi xác định rằng, vị trí cao ở Tân Hiệp Phát không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm và nghĩa vụ. Mỗi quyết định đều phải có sự đồng thuận của các cá nhân. Vị trí cao nhất ở Tân Hiệp Phát không chỉ có tôi và em gái tôi, mà chúng tôi còn tìm kiếm các ứng viên khác trên toàn thế giới.
Trần Uyên Phuơng cũng kể về việc bố cô là ông Trần Quí Thanh đã cho cô lựa chọn giữa “thừa kế” và “kế thừa”. Kết quả là cô chọn phương án “kế thừa” mà không chọn “thừa kế”.
Trong buổi ra mắt cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” trước đó, ông chủ Tân Hiệp Phát đã thông báo với mọi người về việc 90% gia sản sẽ được cống hiến cho xã hội, con cái chỉ được thừa kế 10%. Ông Thanh nói rằng để lại cho các con 10% cũng đã là quá nhiều - vì “khi khởi nghiệp, tôi không có gì cả”.
Nếu bỏ tiền mua sự im lặng sẽ không biết mình sai chỗ nào
Độc giả Huy Bình – Châu Thành, Tiền Giang đề cập lại khủng hoảng truyền thông chấn động dư luận của Tân Hiệp Phát trước đó: “Chị có dám nói thẳng về "vụ con ruồi" không? Vì sao vụ con ruồi Tân Hiệp Phát không trả tiền mua sự im lặng? Rõ ràng về mặt kinh tế, làm như vậy có lợi hơn".
Trần Uyên Phương chọn câu trả lời mà không hề né tránh: Thưa anh, tôi sẵn sàng nói thẳng. Tôi không tin mua sự im lặng sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế như quan điểm của anh. Chúng tôi tin vào sản phẩm của mình. Nếu chúng tôi trả tiền, chúng tôi sẽ không biết sai ở chỗ nào, chúng tôi mất kiểm soát. Khi đó chúng tôi mới thật sự mất uy tín.
Kinh doanh dễ, kinh doanh lãi mới khó
Độc giả T.Phương - Tân Bình - TP.HCM, có một ví von thú vị khi so sánh tư duy của Trần Uyên Phương và một nữ doanh nhân nổi tiếng khác: Đọc sách xong tôi mới hiểu đằng sau sự thành công của một doanh nhân nổi tiếng, hiểu được khó khăn chung của giới doanh nhân. Cám ơn chị và bác Thanh đã truyền cảm hứng cho người trẻ chúng tôi. Nhiều người nói về phương châm “không làm ăn nhỏ” của một nữ doanh nhân Việt nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không. Còn phương châm của chị thì sao?
Trần Uyên Phương không so sánh về vấn đề “làm ăn lớn” hay “làm ăn nhỏ” mà chỉ nhấn mạnh việc “có lãi” hay không:
Cám ơn bạn đã đọc cuốn sách, được truyền cảm hứng và tham gia chương trình giao lưu này. Ba tôi là người luôn có ý tưởng làm ăn lớn và tôi cũng được thụ hưởng ở ba tôi ý chí làm ăn lớn. Ba tôi vẫn hay dạy nhân viên bao gồm cả chúng tôi: "Kinh doanh không khó, có thể nói kinh doanh rất dễ, nhưng kinh doanh có lời mới khó".
Theo tôi, hiểu được năng lực của mình mới quan trọng. Nếu làm ăn lớn mà chúng ta mất kiểm soát thì chúng ta nên xem lại. Còn nếu làm ăn nhỏ mà chúng ta thấy có đủ sức, đủ tiềm năng phát triển thì chúng ta nên tập trung hết sức để khai thác cơ hội.
"Thượng bất chính thì hạ tất loạn"
Nhà báo Nguyễn Bình An gửi câu hỏi từ Hà Nội: Đọc cuốn sách của cô, tôi ấn tượng mạnh với câu chuyện, cha Thanh của cô đã tự mình cắt quyền phân phối thương hiệu nước giải khát của gia đình với chính em trai cô. Tôi hiểu đó như một hình thức sa thải. Và chắc nhiều người cũng vậy. Đến giờ cô nhìn nhận điều đó ra sao? Sự quyết liệt đó phải chăng tạo ra sức mạnh cho thành công hiện nay của gia đình?
Trần Uyên Phương kể lại câu chuyện của em trai mình: Tôi cũng viết thẳng thắn trong cuốn truyện. Đó là quyết định khó. Em trai tôi là nhà phân phối lớn, nhưng nhân viên cấp dưới lại phạm lỗi khi bán sang thị trường của nhà phân phối khác và em tôi phải chịu trách nhiệm về nhân viên của mình.
Và tôi phải khóc vì điều đó, nhưng khóc và phải xử lý để đảm bảo cho hệ thống phân phối của THP thì buộc người đứng đầu phải quyết định. Đó chỉ là một ví dụ.
Để có THP ở vị trí như ngày hôm nay ba tôi đã phải tự thay đổi, tự cải tiến bản thân mình và cũng rất cương quyết để tạo tôn ti trật tự của tổ chức. Trong cuốn sách tôi cũng đề cập câu nói thuộc lòng của chị em tôi "Thượng bất chính thì hạ tất loạn".
Tôi đồng ý ba tôi đã hành động đúng.
Sống đơn giản để không phụ thuộc vào tiền
Bạn Hoàng Bạch Lai ở Tiền Giang “chất vấn” nhân vật giao lưu bằng một câu hỏi về quan điểm tiêu tiền: Thưa chị, nghe nói nhà chị có nhiều tiền mà không tiêu tiền. Nghe nói nhà chị không ai có nhà lầu, xe hơi – thế thì làm ra tiền để làm gì ạ?
Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và thực hiện mục tiêu để đưa doanh nghiệp Việt ra thế giới. Tiền không phải là mục tiêu của gia đình tôi.
Tôi đã từng viết lá thư chia sẻ với ba tôi: "Ba ơi thắng thua là chuyện bình thường trong cuộc sống, đúng không ba? Cảm ơn ba đã cho con luôn được chơi hết mình. Cảm ơn ba cho con hiểu thế nào là đúng nghĩa chơi cuộc chơi lớn, thế nào là sống cuộc sống vì một điều gì đó chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần.
Nghe dường như rất mâu thuẫn nhưng chỉ có những người thật sự chơi cuộc chơi lớn mới hiểu được tại sao phải sống cuộc sống đơn giản, không bị lệ thuộc vào vật chất, chỉ có những người đó mới hiểu chạy theo vật chất sẽ làm “hèn” và “hư” mình".
Những triết lý ấn tượng trong buổi giao lưu của “cô gái Việt tỷ đô”
“Chuyện Nhà Dr. Thanh” của tác giả Trần Uyên Phương do Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành trên toàn quốc gây sốt với gần 7000 cuốn bán ra sau 3 ngày ra mắt. Độc giả cũng có thể tìm hiểu và đặt mua sách tại trang web: http://www.tranquithanh.com
C.T