1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những scandal chấn động ngành ngân hàng thế giới 2012

(Dân trí) - Hiếm năm nào ngành ngân hàng thế giới lại chứng kiến nhiều scandal tai tiếng như năm vừa qua. Đáng chú ý là những tên tuổi hàng đầu thế giới như JP Morgan, HSBC, Standard Chartered, Barclays…đều có tên trong những vụ việc đình đám nhất.

1. HSBC và Standard Chartered bị phạt nặng vì tiếp tay rửa tiền

Là hai trong số những ngân hàng lớn nhất châu Âu và thế giới nhưng HSBC và Standard Chartered đã bị chính phủ Mỹ phát hiện buông lỏng quản lý trong phòng chống rửa tiền cũng như tiếp tay cho các giao dịch vào thị trường bị chính phủ Mỹ cấm vận như: Iran, Libya, Sudan, Syria…

HSBC phải trả giá vì không tuân thủ pháp luật
HSBC phải trả giá vì không tuân thủ pháp luật

Trong bản báo trạng mà Bộ Tư pháp Mỹ công bố, từ năm 2006 tới 2010, riêng tập đoàn buôn bán ma túy Sinaloa tại Mexico đã chuyển hơn 881 triệu USD tiền phi pháp qua các chi nhánh của HSBC tại Mexico. Trong đó, theo trợ lý Tổng trưởng lý Bộ Tư pháp Mỹ Lanny Breuer thì những kẻ buôn ma túy không khó khăn gì để chuyển tiền qua HSBC.

“Chúng có thể nộp hàng trăm nghìn USD tiền mặt vào một tài khoản trong một ngày bằng cách sử dụng 1 hộp đựng tiền được thiết kế vừa vặn với ô cửa tại quầy giao dịch của HSBC chi nhánh Mexico”, ông Breuer công bố với báo giới hôm 11/12.

Tổng cộng các chi nhánh của HSBC tại Mexico và Mỹ đã không kiểm soát được khối lượng tiền đáng ngờ lên tới hơn 670 tỷ USD và các giao dịch mua đồng USD với khối lượng hơn 9,4 tỷ USD từ HSBC Mexico. Vì vụ việc này, ngân hàng lớn nhất châu Âu bị phạt mức kỷ lục 1,9 tỷ USD. Dù vậy thì theo tính toán của trang Quartz, HSBC chỉ mất khoảng 41 ngày kinh doanh để kiếm lại số tiền nộp phạt.

Cũng tương tự như HSBC, một ngân hàng của Anh khác là Standard Chartered bị Bộ Tư pháp và Cục dự trữ liên bang Mỹ phát hiện buông lỏng việc giám sát các giao dịch đáng ngờ. Trong đó ngân hàng này bị nghi đã tiếp tay cho các khách hàng Iran trong các giao dịch trị giá 250 tỷ USD vào Mỹ thông qua chi nhánh New York. Iran là nước bị chính phủ Mỹ cấm vận.

Dù chối bỏ cáo buộc nhưng theo BBC, cuối cùng Standard Chartered vẫn phải nộp phạt 340 triệu USD cho Sở dịch vụ tài chính bang New York, những người đầu tiên điều tra vụ việc. Sau đó ngân hàng này bị Cục dự trữ liên bang Mỹ phạt tiếp 100 triệu USD và Bộ Tư Pháp Mỹ phạt 227 triệu USD.

CEO của JP Morgan xấu hổ vì để xảy ra thua lỗ khổng lồ
CEO của JP Morgan xấu hổ vì để xảy ra thua lỗ khổng lồ


2. JP Morgan Chase thua lỗ gần 6 tỷ USD

Là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và nổi tiếng với quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ, vậy nhưng JP Morgan đã trở thành trò cười cho giới tài chính thế giới khi một sai sót trong giao dịch đầu tư mạo hiểm đã khiến ngân hàng này thiệt hại 5,8 tỷ USD.

Vụ việc khiến người đứng đầu bộ phận đầu tư của JP Morgan phải từ chức còn CEO Jamie Dimon phải muối mặt thừa nhận:“Trong vụ việc này chúng tôi không khác nào bị ném trứng vào mặt”. Một cuộc điều tra nội bộ của ngân hàng này sau đó cho thấy nhóm đầu tư của ngân hàng này đã không hiểu và không lường hết các rủi ro.

Barclays bị phạt hơn 470 triệu USD vì tham gia thao túng lãi suất LIBOR
Barclays bị phạt hơn 470 triệu USD vì tham gia thao túng lãi suất LIBOR

3. Barclays tham gia thao túng lãi suất LIBOR

Lãi suất liên ngân hàng London, LIBOR, là cơ sở tham chiếu cho hầu hết các hợp đồng tài chính trên thế giới, từ cho vay mua nhà tới các sản phẩm phái sinh để tính mức lời, lỗ. Ước tính, tổng giá trị của các hợp đồng kinh tế dựa vào LIBOR lên tới 800.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong năm 2012, một loạt ngân hàng lớn nhất thế giới với tư cách thành viên thiết lập LIBOR, trong đó có Barclays, đã bị cơ quan điều tra phát hiện thao túng lãi suất này để trục lợi. Vụ việc vỡ lở khiến Barclays bị phạt 290 triệu bảng, tương đương gần 470 triệu USD còn chủ tịch Marcus Agius và CEO Marcus Agius phải từ chức. 6 ngân hàng khác đang bị điều tra gồm HSBC, Royal Bank of Scotland, Citigroup, Deutsche Bank, JPMorgan và UBS

4. CEO của Nomura Holdings mất chức vì giao dịch nội gián

Tại Nhật, Nomura Holdings là một “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư với các hoạt động như tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập…Tuy nhiên cuối tháng 7 vừa qua, CEO Kenichi Watanabe của ngân hàng này phải từ chức khi các nhân viên của ông bị phát hiện thực hiện giao dịch nội gián dựa trên những thông tin nội bộ.

Đây là lần thứ ba Nomura dính scandal giao dịch nội gián trong 4 năm ông Watanabe nắm quyền. Theo kết quả điều tra nội bộ của ngân hàng này, áp lực phải chạy đua để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh là nguyên nhân chính khiến các nhân viên thực hiện hành vi gian dối.

Lloyds TSB cùng nhiều ngân hàng đang bị điều tra hành vi kinh doanh gian dối
Lloyds TSB cùng nhiều ngân hàng đang bị điều tra hành vi kinh doanh gian dối


5. Bồi thường hàng chục tỷ USD vì bán bảo hiểm “láo”

5 ngân hàng hàng đầu nước Anh trong đó có Lloyds TSB hiện đang phải dành ra hơn 14 tỷ USD để chuẩn bị bồi thường cho các khách hàng đã mua bảo hiểm của mình. Các sản phẩm bảo hiểm có tên PPI được thiết kế để bảo vệ người mua bảo hiểm trong trường hợp họ bị ốm đau hoặc không thể làm việc. Tuy nhiên các hợp đồng bảo hiểm trên trên đã được các ngân hàng bán cho những người mà họ biết không thể đòi bồi hoàn.

6. Goldman Sachs bị người nhà tố “móc túi” khách hàng

Tháng 3 vừa qua, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ bị rúng động khi phó chủ tịch Greg Smith bất ngờ đệ đơn từ chức kèm theo những tiết lộ động trời về văn hóa kinh doanh của Goldman Sachs. Theo vị lãnh đạo trên, ngân hàng này có một văn hóa “độc hại và tiêu cực” và không ngừng cất nhắc những người “phá sản về đạo đức” kinh doanh.

Tệ hại hơn nữa khi bức thư của ông Smith khẳng định các nhân viên của Goldman Sachs coi khách hàng như những “con rối” và “nó khiến tôi phát bệnh về sự tàn nhẫn khi người ta nói tới cách để móc túi khách hàng”. Dù sau đó CEO và chủ tịch Lloyd Blankfein liên tục lên tiếng phủ nhận nhưng vụ việc đã gây tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng của ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm