Những sáng chế tiền tỷ bỏ không
Đầu tư nhiều công sức nghiên cứu, sáng tạo cùng hàng tỷ đồng nhưng nhiều công nghệ, sáng chế sau khi được hoàn thiện lại bỏ không, gây lãng phí lớn.
Sáng chế chưa có người mua
Kỹ sư Vũ Hồng Khánh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, Hải Phòng nổi tiếng với nhiều sáng chế như máy nghiền tôm cá làm mắm, máy sản xuất vành xe đạp tự động, máy sản xuất tinh bột sắn. Các sản phẩm này đều được ứng dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Mới đây, người kỹ sư già đất Cảng có thêm hai sáng chế “khủng” là máy điều chế hydro từ nước và máy tái chế rác thải thành nhiên liệu sinh học. Với chiếc máy điều chế hydro, hai chất hydro và oxy đồng thời được sinh ra trong quá trình điện phân nước. Hiện đã hoàn thiện giai đoạn tách riêng hydro và oxy, nén lại, có thể vận chuyển.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo ông Khánh, hydro là một trong những nhiên liệu cho nhiệt lượng cao nhất, tới 3.000 độ C (nhiệt độ than chỉ được 1.600 - 1.700 độ C). Vì vậy, khi ứng dụng hydro trong sản xuất thì hiệu quả sẽ tăng lên, tiết kiệm được chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Theo kết quả thử nghiệm, điện phân một lít nước mất khoảng 7KW điện, lượng hydro và oxy giải phóng tham gia phản ứng cháy sẽ tỏa ra lượng nhiệt tương đương với đốt khoảng 1,6 tạ than. Trong khi đó chi phí cho việc điện phân một lít nước là khoảng gần 40.000 đồng. Nếu phát điện bằng 1, 6 tạ than đá thì sẽ mất khoảng 560.000 đồng.
Chiếc máy này đang được người kỹ sư già sử dụng trong phát điện, hàn xì, nấu sắt thép trong xưởng của mình. Theo ông, một ưu thế khác là phương pháp đốt cháy này không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc cho người trực tiếp sản xuất.
Để sáng chế chiếc máy này, kỹ sư Vũ Hồng Khánh mất năm năm với hơn sáu tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn chiếc máy tái chế rác thải thành nhiên liệu sinh học. Đến nay, hai sản phẩm này vẫn đang đắp chiếu vì chưa được ứng dụng vào thực tế.
Nhiều rào cản
Ông Khánh cho biết, chiếc máy điều chế hydro đã được cấp bằng sáng chế độc quyền. Để đưa sản phẩm vào ứng dụng, ông tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sản phẩm sẽ được bán cho Nhà nước với giá 28 tỷ đồng, sau đó máy này sẽ được bán lại cho doanh nghiệp nhưng đến nay không thấy động tĩnh gì. “Nhà nước không có chế độ gì hỗ trợ cho những nhà sáng chế như chúng tôi”, ông nói.
Không riêng với hai sáng chế của kỹ sư Khánh, nhiều nghiên cứu, sáng chế khác hiện nay vẫn chưa được đưa vào ứng dụng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, tỷ lệ đưa sáng chế ứng dụng vào trong sản xuất ở Việt Nam hiện nay rất thấp.
Lý giải nguyên nhân, TS Phùng Minh Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nguyên nhân chính là khi nhà khoa học tiến hành một công trình nghiên cứu để sáng tạo ra công nghệ - sáng chế, chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường, không dự báo được thị trường, lại hơi thiếu tư duy kinh tế nên sản phẩm sáng tạo ra không phù hợp, rất khó thâm nhập vào thị trường.
Nhà khoa học tiến hành một công trình nghiên cứu để sáng tạo ra công nghệ - sáng chế, chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường - TS Phùng Minh Lai |
Mặt khác sản phẩm sáng tạo của các nhà khoa học chưa quan tâm nhiều đến giá cả, chất lượng, thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Lai dẫn chứng câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp 1, người sáng chế thành công giống lúa lai hai dòng, được chuyển nhượng với giá 10 tỷ đồng. Bà Trâm sáng chế giống lúa này từ nhu cầu thực tế. Trong quá trình sáng tạo đều hỏi ý kiến bà con nông dân, doanh nghiệp. Sáng chế sau khi hoàn thiện đi vào cuộc sống ngay vì nó xuất hiện từ nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, một lý do khác là Việt Nam chưa hình thành các tổ chức trung gian, làm môi giới cho hoạt động chuyển giao, kết quả nghiên cứu, sáng chế, công nghệ. Các tổ chức sẽ giúp thay thế các nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ makerting, quảng bá sản phẩm, kết nối sản phẩm. Theo ông Lai, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến việc này.
Trước phàn nàn Nhà nước không có chế độ gì hỗ trợ nhà sáng chế, TS. Phùng Minh Lai cho biết, Bộ KH&CN đang quản lý và điều hành “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ” của Chính phủ (gọi là Chương trình 68), Giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 2005 -2010, giai đoạn hai từ năm 2011-2015, Chương trình hỗ trợ để hoàn thiện các sáng chế trước khi được thương mại hóa, với mức Nhà nước hỗ trợ 70%, doanh nghiệp thực hiện sáng chế đối ứng 30%.
Theo các nhà khoa học, việc sử dụng hydro đã được một số quốc gia trên thế giới thử nghiệm áp dụng để chạy thiết bị máy móc, động cơ đốt trong. Ưu thế của nhiên liệu này là sạch, thân thiện với môi trường nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Nếu dùng hydro để chạy xe thì phải thiết kế lại xe chạy hydro, vì hiện nay các xe chạy bằng xăng. |
Theo Nguyễn Hoài