Những đồng tiền mất giá nhiều nhất thế giới
(Dân trí) - Từ Ai-xơ-len ở bờ biển Bắc Cực đến Niu Dilân ở Nam Đại Tây Dương, cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều đồng tiền trên thế giới rớt giá mạnh. Bị ảnh hưởng mạnh nhất là đồng tiền ở những nước như Úc và Nam Phi, nơi phụ thuộc nhiều vào ngành khai khoáng.
Điều này là do tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại đã làm nổ bong bóng giá khoáng sản.
Sau khi đồng USD của Mỹ tăng trở lại, nhiều đồng tiền trước đó lên giá mạnh đã bị rớt giá, do các nhà đầu tư “non gan” vẫn chuộng USD hơn. Tuy nhiên, một số đồng tiền vẫn trụ vững trước sự lên giá của USD.
Tại Nhật Bản, đồng yên đã tăng giá 13% so với USD. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng lên giá 6,8%. Có đồng nội tệ mạnh cũng bất lợi, đặc biệt là đối với các nhà xuất khẩu. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, như Sony, giờ đây lại trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ Hàn Quốc, khi đồng won của nước này từ đầu năm đến nay giảm tới 27% so với USD. Tương tự, việc đồng nội tệ lên giá đã gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất ở các trung tâm công nghiệp nằm ven biển Trung Quốc, nhiều nhà máy thậm chí đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Hãy cũng tạp chí Business Week điểm qua những đồng tiền mất giá nhiều nhất so với USD, kể từ đầu năm đến nay:
Real của Brazil
Giảm 18%
Không chỉ real của Brazil mà đồng tiền của nhiều nước Mỹ Latinh khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ví dụ, đồng peso của Mêxicô mất giá 15% so với USD. Nỗ lực của chính phủ đã phần nào kiềm chế đà giảm. Và với dự trữ ngoại hối hơn 200 tỷ USD, ngân hàng trung ương Brazil có thể tiếp tục bán USD trong một thời gian.
Rupee của Ấn Độ
Giảm 19%
Mãi cho tới gần đây, đồng nội tệ, rupee, của Ấn Độ vẫn tăng giá ổn định, gây đau đầu cho các công ty gia công phần mềm lớn trong nước, như Infosys và Wipro. Sự quay đầu giảm giá đột ngột của đồng rupee sẽ giúp các công ty này tăng tính cạnh tranh, vì các khách hàng thanh toán bằng USD không thấy chi phí nhân công quá cao. Nhưng đồng rupee yếu hơn có thể gây ảnh hưởng xấu đến các công ty Ấn Độ đang ráo riết tìm kiếm hợp đồng ở nước ngoài, như nhà sản xuất ô tô Tata.
Krone Na-Uy
Giảm 20%
Sự kết thúc của tình trạng “bong bóng” giá dầu mỏ đã khiến đồng nội tệ của Na Uy giảm mạnh. Nỗ lực chống lạm phát của Ngân hàng trung ương nước này hầu như không thể ngăn đồng krone giảm giá. Trong tháng 10, ngân hàng đã 2 lần phải cắt giảm lãi suất. Lần gần đây nhất, ngày 29/10, lãi suất qua đêm chỉ còn 4,75%, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm. Do đó, áp lực giảm giá càng đè nặng lên đồng krone.
Bảng Anh
Giảm 21%
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm vào ngày 27/10, đồng bảng Anh đã gượng dậy, tăng 6% tính đến ngày 30/10. Sự ổn định trở lại của các thị trường chứng khoán sau nhiêu tuần biến động đã giúp đồng nội tệ. Nhưng với quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Anh để chống suy giảm kinh tế, đồng bảng Anh khó có thể trở lại thời đỉnh cao.
Đôla Niu Dilân
Giảm 23%
Đôla Niu Dilân là một trong những đồng tiền được hưởng lợi chính từ hoạt động giao dịch ngoại hối với đồng yên Nhật. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng tài chính làm giảm nhu cầu mua mượn đồng yên Nhật để kinh doanh ngoại hối, thì đôla Niu Dilân là nạn nhân lớn nhất. Nền kinh tế Niu Dilân phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu các mặt hàng như len và bơ sữa, nên đồng nội tệ của nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới giảm sút.
Đôla Úc
Giảm 24%
Từ lúc 1 AUD chỉ đổi được 51 xen Mỹ vào năm 2002, trong suốt 5 năm, đồng đôla Úc (AUD) đã tăng giá mạnh so với USD,. Đầu năm nay, đôla Úc thậm chí còn ở mức ngang giá USD. Nhưng những ngày đó đã qua. Sau một thời gian dài kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, giờ đây Ngân hàng hoàng gia Úc đang phải chiến đấu với suy thoái, bằng việc liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản.
Đồng Lira mới của Thổ Nhĩ Kỳ
Giảm 25%
Thái độ e dè gần đây của giới đầu tư đối với các thị trường mới nổi đầy rủi ro đã gây tác động xấu đến đồng lira mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng đến nỗ lực chống lạm phát của nước này. Ngày 3/11, chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ công bố lạm phát tháng 10 tăng 2,6%.
Won Hàn Quốc
Giảm 27%
Một tháng trước, đồng nội tệ của Hàn Quốc đã giảm 33% so với USD, khiến nó trở thành đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới. Nhưng từ đó đến nay, đồng won đã tăng nhẹ trở lại nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Mặc dù ngân hàng trung ương đã dùng hàng tỷ USD để bảo vệ đồng won, nhưng Hàn Quốc vẫn còn một lượng lớn dữ trự ngoại tệ (hơn 240 tỷ USD tính đến tháng 8) nên vẫn còn khả năng cứu đồng nội tệ.
Rand của Nam Phi
Giảm 32%
Tâm lý lo sợ về nguy cơ xảy ra một cuộc đại suy thoái toàn cầu đã tác động mạnh đến đồng rand của Nam Phi. Đồng tiền này đã trải qua một tháng 10 tồi tệ, để bước sang tháng 11 chứng kiến sự sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Hoạt động sản xuất đình trệ, trong khi tiêu dùng giảm mạnh. Thêm vào đó, do nền kinh tế Nam Phi phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vàng và các loại khoáng sản khác, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại có thể dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Nam Phi, từ đó ảnh hưởng đến đồng nội tệ.
Krona của Ai-xơ-len
Giảm 50%
Ai-xơ-len là nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cả đất nước này đang đứng bên bờ vực phá sản, và phải cầu cứu sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Sự sụp đổ của đồng nội tệ và tình trạng lạm phát cao đã khiến ngân hàng trung ương Ai-xơ-len hồi tháng 10 phải tăng lãi suất lên 18%.
Đặng Lê
Theo Business Week