Những “cú ngã” khó đỡ trên sàn chứng khoán

Mặc dù được cho là kênh đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán thời gian gần đây vẫn khiến không ít nhà đầu tư thất vọng bởi khá nhiều “cú sốc” dồn dập đổ về.

Người giàu… cũng khóc

 

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây liên tục “rúng động” bởi thông tin hàng loạt công ty bị nhấn chìm trong thua lỗ nặng, do không thể vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, có khá nhiều đại gia đã từng gây được ấn tượng với khối lượng tài sản kích xù khiến nhiều người thèm khát, đặc biệt danh sách những giàu nhất sàn chứng khoán cũng liên tục bị bêu tên.

 

Một cái tên có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, khiến không ít nhà đầu tư phải giật mình khi nằm trong danh sách thua lỗ nặng năm 2011, là Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Mã chứng khoán: SGT). Cụ thể, vừa qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã phải đưa ra thông báo, đưa cổ phiếu SGT vào diện cảnh báo do thua lỗ tới 113,79 tỷ đồng trong năm 2011.
 
Những “cú ngã” khó đỡ trên sàn chứng khoán

 

Sự ngỡ ngàng của giới đầu tư dường như hoàn toàn có lý do, khi mà công ty này được một người khá tài ba và nhiều người biết đến với danh hiệu là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2009- ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thậm chí, những năm sau đó khi thị trường chứng khoán rơi vào “khủng hoảng” ông vẫn tiếp tục được nằm trong Top “đại gia” của bảng xếp hạng này.

 

Giải thích về việc để SGT thua lỗ trong năm 2011, ông Đặng Thành Tâm cho biết, đây là do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng nhiều khách hàng tiềm năng của Công ty tạm thời trì hoãn kế hoạch kinh doanh. Tất cả điều này làm cho doanh thu về hoạt động cho thuê đất, bán và cho thuê nhà xưởng bị sụt giảm nghiêm trọng.

 

Cùng với SGT, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã ck: QCG) cũng đang gây được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư, khi ngụp lặn trong thua lỗ ở năm 2011. Đây có lẽ là sự một sự bất ngờ lớn, bởi QCG được biết đến là một “đại gia” có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, dưới sự lãnh đạo tài bà của người liên tục xếp trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán – bà Nguyễn Thị Như Loan.

 

Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2011 đã âm 39,83 tỷ đồng. Với mức thua lỗ này, cổ phiếu QCG của Công ty đã bị xếp vào diện cảnh báo.

 

Chia sẻ về khoản lỗ này tại Báo cáo thường niên năm 2012 gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng cho thấy rằng, năm 2011 tiếp tục là một năm khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai nói riêng. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, thị trường giao dịch bất động sản trầm lắng khiến cho doanh thu của công ty ở mảng kinh doanh này cũng bị giảm đáng kể.

 

Sự ra đi không trở lại của cổ phiếu niêm yết

 

Có thể thấy thị trường chứng khoán trong nước chưa năm nào, lại chứng kiến nhiều sự ra đi của các cổ phiếu niêm yết như năm nay. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp niêm yết đã trải qua nhiều năm thua lỗ liên tiếp. Theo dõi thị trường chứng khoán có thể thấy, điểm chung của những cổ phiếu bị “out” khỏi sàn đều có mệnh giá khá thấp trên dưới 1 nghìn đồng.

 

Điển hình cho sự ra đi này là, đầu tháng 6 vừa qua cổ phiếu CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex đã chính thức nhận quyết định của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, về việc phải rời sàn niêm yết.

 

Theo đó, kể từ 4/6/2012, hơn 8,7 nghìn cổ phiếu CAD, với giá trị hơn 87 tỷ đồng sẽ bị huỷ niêm yết trên sàn TP.HCM. Nguyên nhân là do Công ty này đã có lợi nhuận sau thuế là số âm trong 3 năm liên tiếp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán (năm 2009 âm 3,04 tỷ đồng, năm 2010âm 32,37 tỷ đồng và năm 2011 âm tới 324,78 tỷ đồng).

 

Một cổ phiếu khác được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm và luôn được nhắc đến với những khó khăn và tình trạng thua lỗ triền miên, đó là Công ty Cổ phần Basa (mã CK: BAS). Hồi đầu tháng 5 vừa qua , cổ phiếu này cũng chính thức phải rời khỏi sàn giao dịch TP.HCM.

 

Với quyết định rời khỏi sàn TP.HCM, 9,6 triệu cổ phiếu với giá trị tương ứng 96 tỷ đồng của BAS đã chính thức phải huỷ niêm yết. Nguyên nhân do Công ty cổ phần Basa có kết quả kinh doanh đã được kiểm toán là số âm trong 3 năm liên tiếp.

 

Không chỉ những cổ phiếu trên, mà hiện nay thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với khả năng ra đi của khá nhiều có mệnh giá thấp và thua lỗ triền miên.

 

Vi phạm chứng khoán không ngừng gia tăng

 

Cùng với việc lao dốc của các chỉ số, thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua cũng liên tục đối mặt với hàng loạt thông tin xử phạt các công ty niêm yết do vi phạm quy định trên sàn. Bằng chứng là cuối tuần qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt hành chính đổi với các nhân, tổ chức do không chấp hành quy định.

 

Theo đó, vừa qua Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 504, 505/QĐ-UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sau đây do có hành vi vi phạm quy định về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

 

Cụ thể, từ ngày 11/1/2012 đến ngày 18/1/2012, Công ty cổ phần giao nhận Vận tải và Thương mại (Công ty Vinalink), tổ chức liên quan với ông Nguyễn Nam Tiến, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải ngoại thương (mã CK: VNF) đã giao dịch bán 30.000 cổ phiếu VNF trong khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, công bố thông tin được phép giao dịch của Công ty Vinalink từ ngày 18/1/2012. Như vậy, Công ty Vinalink đã giao dịch trước ngày Sở giao dịch chứng khoán Hà nội công bố thông tin.

 

Ngoài ra, theo công bố thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, từ ngày 3/11/2011 đến ngày 3/1/2012, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, vợ ông Đào Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần SPM (mã CK: SPM), đăng ký giao dịch bán 476.285 cổ phiếu SPM (khớp lệnh 3.710 cổ phiếu).

 

Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM không nhận được báo cáo kết quả giao dịch của bà Hương. Từ ngày 6/1/2012 đến ngày 9/2/2012, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương giao dịch bán 134.780 cổ phiếu SPM nhưng không thực hiện báo cáo với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM trước khi thực hiện giao dịch.

 

Với lý do vi phạm quy định trong công bố thông tin, hôm qua (21/6) Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội (mã ck: SHN), với tổng mức phạt là 170 triệu đồng…

 

Theo Yến Nhi

VnMedia