Những “chúa Chổm” phiên bản 2012

Tập đoàn kinh tế, 5 “ông lớn” được phân bổ tiền từ ngân sách nhà nước hóa ra lại là một trong những tin nóng, dù số tiền vỏn vẹn 3.700 tỉ, ít đến “không bõ dính răng”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng.
 
Dường như cách nhìn nhận của báo chí, sự quan tâm của cử tri không chỉ đơn thuần là câu chuyện tiền thuế của dân được phân bổ cho các tập đoàn - dù gắn danh nhà nước thì bản chất vẫn là những doanh nghiệp.

 

Sáng nay (16/11), khi Quốc hội thảo luận về Hiến pháp sửa đổi, tờ Thời báo kinh tế Việt Nam công bố một số con số tài chính của Tổng Công ty XNK xây dựng Vinaconex: Tồn kho gần 8.000 tỉ đồng; vay và nợ ngắn hạn 5.541 tỉ; vay và nợ dài hạn 5.714 tỉ đồng; lỗ 9 tháng 707 tỉ đồng. Với tình trạng vừa nợ, vừa lỗ, vừa tồn kho như thế, không biết “Cánh chim đầu đàn” sẽ còn đủ sức mà bay! Và bay đi đâu!

 

Nhưng Vinaconex chỉ là “một ví dụ” trong tình trạng nợ chồng chất của các doanh nghiệp nhà  nước. Trong văn bản trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ Tài chính cho biết số nợ của các Tập  đoàn kinh tế (TĐKT), Tổng công ty nhà nước đến cuối 2011 là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.

 

Đặc biệt, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có tỷ lệ trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 - 5 lần.

 

VnEconomy dẫn lời Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Các TĐKT, TCty NN “đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp”.

 

Những cái tên  được nêu như những điển hình về nợ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỉ đồng (EVN cũng đang nợ nước ngoài 99.260 tỉ đồng). Tập đoàn Dầu khí (PVN) đang nợ quá hạn 1.731 tỉ đồng.  Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 24.027 tỉ đồng.

 

Nếu có một phiên bản đương đại về “chúa Chổm”, thì  đó hẳn nhiên phải là thành ngữ “nợ như  tập đoàn”.

 

3.700 tỉ đồng được phân bổ cho 5 “ông lớn”, không lớn, nhưng về bản chất, đó là tiền từ thuế của dân, từ tài nguyên của đất nước, được phân cho các doanh nghiệp, chỉ hơn các DN khác ở hai chữ “chủ đạo” trong Hiến pháp.

 

Có thể, còn quá  sớm để nghĩ  đến chuyện bỏ đi hai chữ “chủ đạo” của thành phần kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, thành phần kinh tế nào, doanh nghiệp nào cũng chỉ gắn với hiệu quả nếu chúng được đưa vào một cơ chế cạnh tranh thực sự. Mà sự cạnh tranh, phải bắt đầu bằng việc bình đẳng về nguồn vốn, việc sử dụng tài nguyên, về cơ chế trách nhiệm. Bắt đầu bằng việc bình đẳng trong việc vay nợ, và tất nhiên là việc trả nợ.

 

Theo Đào Tuấn

Lao động