Những căn nhà … ổ kiến

Nếu là nhà ổ chuột, thì quen quá rồi. Một căn nhà lụp xụp bên dòng kênh, hay nằm trong khu dân cư tạm bợ đang chờ giải toả. Nhưng nhà kiểu… ổ kiến thì thế nào?

Những căn nhà … ổ kiến

1. Cách nay vài bữa, tôi cùng một bạn đi kiếm nhà người quen nằm gần bờ kênh (tất nhiên là nước đen) thuộc quận Bình Tân.

Con đường dẫn vào nhà ghi ngoài đầu hẻm là lộ giới 10m nhưng giờ thì vẫn còn nhỏ xíu, chỉ khoảng gần 3m. Càng vào sâu bên trong, đường càng nhỏ. Có chiếc cầu bê tông vắt ngang qua bờ kênh chỉ đủ 2 chiếc xe gắn máy đi ngược chiều vừa khít.

Ở đây là thiên đường của khu nhà trọ và người thu nhập thấp. Nhưng người dân xây nhà và sinh sống xung quanh đã tạo ra các căn nhà chẳng biết gọi là gì, tạm lấy ví von là… ổ kiến. Nghĩa là nhà cấp 4 có gác lửng, bên ngoài chừa lối đi nhỏ để trổ cửa các phòng ra, với mục đích cho thuê. Chủ nhà cũng sống chung trong “ổ” này, có thể chọn ngay căn đầu hồi đắc địa - khác nhau ở vị trí vậy thôi.

Tìm được nhà người quen rồi, với suýt mấy lần xe gắn máy bị trượt bánh trên con đường tạm bợ đầy gạch đá lổn nhổn, chúng tôi đứng ngắm nghía quang cảnh gần đó.

Dưới kênh, có chiếc thuyền đang chở cát, nghĩa là sự giao thương bằng đường thuỷ đã có. Dự án Lò Gốm - Tân Hoá (kéo dài) sẽ chạy tới đây, cho dù không biết là bao giờ mới thực hiện được, đang nhen nhóm lên trong lòng những người dân tia hy vọng đổi đời.

Đất nơi này trước đây là đất ruộng, đất vườn, giờ đã lên thổ cư toàn bộ, chẳng có dấu vết gì của vùng ngoại thành, nhưng cũng không thể mang hình dáng của đô thị Sài Gòn xa hoa bậc nhất cả nước. Ban ngày di chuyển, dù có gập ghềnh trên đường cũng còn đỡ hơn vào ban đêm, khi bóng tối phủ kín toàn bộ vùng kênh.

Chẳng ai có thể phân biệt đâu là trên đường, đâu là dưới kênh, bởi cùng chung màu đen không mang tính sang trọng như trong các bộ sưu tập thời trang điệu nghệ của sàn diễn. Thế mới có chuyện, cô bé con của chủ nhà ấy ngồi sau xe mẹ đón đi học về, đã té theo cú trơn trượt của bánh xe, gẫy cả chân.

Cách bé lết lết bàn chân khoẻ mạnh còn lại để chơi đạp xe ngoài đường thấy mà thương cảm. Cô bé đích thị là chú kiến nhỏ sống trong tổ kiến 10 m2. Vào thời khắc cuối ngày, cô được mẹ dội nước lạnh thùm thụp, sau đó thì tự tha thẩn chơi trong các khu nhà trọ.

Chưa ai hình dung được chuyện gì xảy ra nếu chiếc xe gắn máy của anh chàng nhậu xỉn nào đó tạt ngang tạt ngửa có thể gây tai nạn; cũng chưa ai nghĩ tới bờ kênh nước đen gần đó các bé dễ sảy chân dễ như chơi; và thậm chí bé gái có thể bị xâm hại bởi những gã đàn ông đang ngồi uống rượu giết thời gian. Hoặc cũng có người nghĩ tới rồi nhưng hoàn cảnh sống đưa đẩy khiến không thể làm gì khác hơn được nữa.

2. Trong một lần đàm luận, anh bạn tôi kể chuyện, anh đã từng chứng kiến người thân đang triển khai việc làm vườn. Trên miếng đất bạn mới mua ấy có căn nhà, chính xác hơn là túp lều mái tranh, nhưng trên thực tế, túp lều ấy chưa được cấp phép.

Đất vườn đơn thuần thì không được cất nhà, mà phải là đất nông nghiệp khác thì sẽ có quyền xây theo tỉ lệ. Dù chẳng có ai ở đó, mà chỉ thỉnh thoảng cuối tuần anh đưa lũ trẻ về nghịch đất, nghịch cây, câu cá cho vui, tuy nhiên do có phải “ăn hiếp ma mới” hay không, mà các cán bộ của xã tới hỏi thăm thường xuyên.

Họ doạ sẽ cưỡng chế tháo dỡ túp lều ấy, vậy là gia chủ đành phải nói chuyện phải quấy bằng những thứ khó có thể đường đường chính chính.

Thấy câu chuyện như vậy, anh bạn nói, sao không hợp thức hoá luôn việc chuyển đổi từ đất vườn sang đất thổ cư đi, cho khoẻ. Rồi người ta cũng cất căn nhà, trồng cái cây và còn thu được khoản thuế không nhỏ trong việc chuyển đổi ấy.

Chuyện của anh nói nghe thì dễ như uống nước đun sôi, nhưng thổ cư mà thành các khu nhà tổ kiến như ở phần đầu tôi đã đề cập tới, thì cũng bát nháo lắm.

Hình thức đô thị giờ phải làm sao, khi co đầu này, kéo đầu kia chỉ là công việc tạm thời, nhất thời, chứ vẫn chưa có cái nhìn để sắp xếp một quy hoạch đâu ra đó, huống chi còn ước mong đẹp đẽ, vuông vắn, khang trang…

Theo Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”