Nhóm E-7 sẽ ngang ngửa với G-7

Theo báo cáo của công ty tư vấn kiểm toán PriceWaterhouseCoopers (PWC), tiềm năng kinh tế các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Brazil, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ từ nay đến năm 2050 là rất lớn và sẽ trở thành Nhóm kinh tế E-7, trong tương lai ngang ngửa với nhóm kinh tế G-7.

Nhóm E-7 gồm những nước có nền kinh tế mới nổi lên, dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, với quy mô kinh tế sẽ lớn hơn kinh tế Nhóm G-7 hiện nay, ít nhất là 25%, cao nhất là 75%, tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn để đánh giá quy mô của các nền kinh tế. Các nước E-7 sẽ có tốc độ phát triển kinh tế ổn định từ nay đến năm 2050 như sau: Ấn Độ tăng 7,6%, Indonesia tăng 7,3%, Trung Quốc tăng 6,3%, Mexico tăng 4,8%...

 

Trung Quốc có lợi thế về dân số và nhân công

 

Theo PWC, với lợi thế về nhân công và cơ cấu trẻ hoá dân số, trong 50 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành nước có nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới; kinh tế Ấn Độ có mức tăng trưởng nhanh nhất. Kinh tế Indonesia, Mexico phát triển vượt nền kinh tế Anh và duy trì được tốc độ phát triển ổn định lâu dài. Người đứng đầu Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của PWC John Howard nói kinh tế Ấn Độ sẽ vượt kinh tế Trung Quốc vào năm 2050.

 

Trong những năm tới, các nền kinh tế mới nổi sẽ phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Dân số trẻ và có kỹ năng tay nghề cao, kinh tế Ấn Độ sẽ có quy mô ngang bằng kinh tế Mỹ vào năm 2050 nếu tính theo tiêu chuẩn sức mua tương đương (PPP).

 

Kinh tế Trung Quốc tuy hiện nay mới chỉ bằng 76% nền kinh tế Mỹ tính theo PPP, nhưng vào năm 2050, quy mô kinh tế Trung Quốc có thể tăng gấp rưỡi kinh tế Mỹ.

 

Kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng ở mức 2,4%/năm và kinh tế Anh chỉ tăng 1,9%/năm. Dự báo đến năm 2050, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang các nước E-7 sẽ tăng 44% so với tỷ lệ tăng 5% hiện nay. Các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới hiện nay là Nhật Bản và Đức sẽ bị tụt hạng, dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tụt xuống vị trí thứ 4, sau nền kinh tế Ấn Độ và Brazil. Nền kinh tế Đức tụt hạng xuống vị trí thứ 8 sau kinh tế Mexico.

 

PWC cho rằng, những thay đổi về dân số sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định vị thế của các nền kinh tế lớn trên thế giới vào năm 2050. Tỷ lệ sinh đẻ tại Đức và Nhật Bản hiện rất thấp, trong nhiều thập kỷ tới số lao động cao tuổi sẽ tăng mạnh, trong khi đó số người đến tuổi lao động đang tăng lên tại các nước đang phát triển, trừ Trung Quốc và Nga.

 

Những dự báo lạc quan về kinh tế Nhóm E-7 là có cơ sở, vì trong nhiều năm gần đây, kinh tế nhóm nước này liên tục tăng trưởng. Theo Financial Times (Anh), trong 25 năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt mức xấp xỉ 10%/năm.

 

Nhà kinh tế Angus Maddison cho rằng tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tính theo đầu người đã tăng gần gấp đôi. Báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trình bày tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá X ngày 5/3/2006, khẳng định sự nghiệp hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đạt những thành tựu nổi bật.

 

Kinh tế phát triển nhanh, ổn định. Năm 2005 giá trị GDP đạt 18.230 tỷ NDT, tăng 9,9% so với năm trước. Thu nhập tài chính vượt qua ngưỡng 3.000 tỷ NDT. Kinh tế quốc dân xuất hiện cục diện tốt, tăng trưởng nhanh. Kim ngạch XNK mậu dịch đạt 1.420 tỷ NDT, tăng 23,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ đạt 818,9 tỷ USD.

 

Công cuộc cải cách mở cửa có bước tiến quan trọng. Báo cáo nêu rõ năm nay, Trung Quốc tiếp tục giữ tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh và ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8%, tiêu hao năng lượng giảm. Tốc độ phát triển kinh tế trong 5 năm tới đạt mức tăng trung bình 7,5%.

 

Ấn Độ sẽ là đất nước của... tỷ phú

 

Ấn Độ, nước có hơn 1 tỷ dân đang tiến gần đến mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Nhà kinh tế Brian Hilluard của Ngân hàng đầu tư Societe General nói trước đây khi nhìn vào châu Á người ta thường tập trung vào Trung Quốc.

 

Hiện nay còn có một nước khác có thể trở thành một cường quốc kinh tế quan trọng, đó là Ấn Độ. Sự quan tâm của thế giới đối với Ấn Độ thể hiện ở luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mức kỷ lục. Sản xuất phát triển, các dịch vụ mở rộng, chi tiêu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu khoảng 300 triệu người ngày càng lớn. Trong lĩnh vực kinh doanh từ viễn thông tới phần mềm, bất động sản tới ôtô và phụ tùng ôtô, khu vực nào cũng đang chạy gần như hết công suất. Riêng năm ngoái, thị trường ĐTDĐ phát triển nhanh, có thêm 1,2 triệu thuê bao, con số này sẽ tăng mạnh trong năm nay.

 

Theo Tạp chí Forbes, trong 15 năm mở cửa, tuy muộn mằn, nhưng được hỗ trợ bởi sự nhẩy vọt trong công nghệ, nhất là lĩnh vực phần mềm, nước này đã có tới 23 tỷ phú, so với 16 tỷ phú người Brazil và 8 tỷ phú người Trung Quốc, 14 tỷ phú người Pháp. Tổng số tài sản của các tỷ phú người Ấn Độ là 98,8 tỷ USD, tăng 61% so với năm ngoái. Sự giầu có của các tỷ phú Ấn Độ đã tăng với tốc độ 36%/năm.

 

Theo Forbes, số người giầu của Ấn Độ tăng nhanh hơn ở Trung Quốc, giá trị tài sản của họ cũng cao hơn nhiều. Tài sản của 40 người giầu nhất Ấn Độ khoảng 106 tỷ USD so với 26 tỷ USD của những người giầu nhất ở Trung Quốc. Để được ghi tên trong danh sách của Forbes, người Ấn Độ có giá trị tài sản thật là 590 triệu USD trong khi giá trị tài sản của người Trung Quốc chỉ là 321 triệu USD.

 

Dự báo của chính phủ Ấn Độ, trong tài khoá kết thúc 31/3/2006 tăng trưởng kinh tế đạt 8,1%. Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda dự báo kinh tế Ấn Độ duy trì mức tăng 8% như hiện nay, mức cao thứ 2 châu Á sau Trung Quốc, trong ít nhất 5 năm nữa. Thậm chí có thể tăng 9-10%/năm nếu nước này tiếp tục duy trì các cải cách và nâng cấp cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

 

ADB có kế hoạch tăng các khoản vay cho Ấn Độ trên cơ sở triển vọng sáng sủa của nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á. Vốn ADB hỗ trợ cho nước này sẽ tăng từ 2,25 tỷ USD năm 2006 lên 2,45 tỷ USD năm 2007 và 2,67 tỷ USD năm 2008. Ước tính chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, Ấn Độ có thể thu hút 150 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 năm tới.

 

Nhà kinh tế trưởng Lewis Alexander của công ty Citigroup Global Markets có trụ sở tại New York nói có 3 yếu tố thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh: Hoạt động đầu tư trong nước tăng để cải thiện cơ sở hạ tầng; chi tiêu tiêu dùng của nhân dân tăng và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực tăng. Chỉ số thị trường chứng khoán Mumbai tăng lên tới 9.370 điểm, gấp 3 lần trong 3 năm qua, do có cơn lũ ngoại tệ từ bên ngoài tràn vào, trong đó có tới 35% từ Nhật Bản. Dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ đạt 143 tỷ USD, tăng hơn 350% kể từ năm 1991.

 

Thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trong 2-3 năm tới. Ông nói Ấn Độ cần có sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp hiện mới tăng trưởng 3% hàng năm. Những năm  gần đây, Ấn Độ đã đóng góp khoảng 10% GDP thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

 

Theo Nguyễn Thế Nghiệp

TB Kinh tế VN