NHNN đẩy mạnh vốn cho tam nông

(Dân trí) - Sau 10 năm thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông thôn, dư nợ tín dụng tăng xấp xỉ 9 lần, đạt hơn 300.000 tỷ đồng (chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay). Theo nghị định mới, người nông dân cho thể vay tín chấp gấp 5 lần so với trước đây.

Hôm qua 30/6, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
 
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Nếu như cuối năm 1998, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt 34.000 tỷ đồng thì sau 10 năm thực hiện, hiện dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã tăng hơn 9 lần, đạt 315.672 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt gần 22%/năm.
 
Trong năm 2009, cho vay trung và dài hạn chiếm 40%, cho vay ngắn hạn chiếm 60%. Thống kê ngành ngân hàng, hàng chục triệu hộ lượt nông dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều người nhờ nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất đã thoát nghèo và làm giàu bằng các sản phẩm nông nghiệp ngay tại quê hương mình. Đáng kể, chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp được đảm bảo, nợ xấu cuối năm 2009 là 2,75%.
 
Nhờ không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu của khu vực tam nông, hàng chục triệu hộ nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, mở rộng phát triển sản xuất và thoát nghèo, làm giàu bằng chính sản phẩm nông nghiệp của quê hương mình.
 
Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 để việc hỗ trợ vốn cho khu vực tam nông được hiệu quả hơn. Nghị định 41 đã có 12 sửa đổi, bổ sung so với Quyết định 67 theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng dễ dàng, hiệu quả hơn.
 
Nghị định mới cho phép nông dân, hộ sản xuất có thể vay tín chấp tới 50 triệu đồng; hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn được vay tối đa 200 triệu; hợp tác xã (HTX), chủ trang trại được vay tới 500 triệu đồng. Trong trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng thì tổ chức tín dụng được khoanh nợ tới 2 năm cho khách hàng.
 
Theo băn khoăn của ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: “Trước đây, theo Quyết định 67/QĐ-TTG, người dân chỉ được vay 10 - 15 triệu đồng. Rất nhiều nông dân, doanh nghiệp muốn vay nhưng ngân hàng trả lời là không huy động được vốn. Vậy mà theo Nghị định 41, nguồn vốn cho vay đã tăng hơn trước rất nhiều, từ 50 - 500 triệu đồng, liệu có thể thực hiện được không?”.
 
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường bày tỏ: Ám ảnh của lãnh đạo tỉnh cũng như bà con nông dân nơi đây chính là trồng cây công nghiệp mà chỉ sợ mất mùa; do đó, việc được tạo điều kiện nguồn, thời gian khoanh, giãn nợ khi gặp khó khăn là rất quan trọng.
 
Chia sẽ những thắc mắc của các đại diện cho người nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tính toán: “Để có 1% tăng tưởng kinh tế nông nghiệp thì cần 6% tăng trưởng tín dụng. Với kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 2012 - 2015 là 4%, rất cần sự hỗ trợ tín dụng ở mức tương ứng 24%, chúng tôi rất cần ngân hàng xắn tay vào giúp”.
 
Về phía ngân hàng, ông Phạm Thanh Tân - Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT thừa nhận: Nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn trong khi nguồn vốn còn hạn chế. Tuy nhiên, với những chương trình có cái tên rất mới như “nông thôn sạch, nông nghiệp sạch”, chắc chắn nhu cầu về tín dụng giai đoạn tới sẽ tăng rất mạnh. NHNN và Chính phủ sẽ có những cân đối, tính toán cho từng giai đoạn còn Agribank sẽ cố gắng tối đa.
 
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Nguồn vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, cơ bản đáp ứng được nhưng để tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế. Hiện mức tăng trưởng tín dụng mới đạt 20%/năm, nguồn vốn trung và dài hạn cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, NHNN đang chỉ đạo Ngân hàng NN&PTNT ở tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án để trên cơ sở đó hỗ trợ vốn ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
An Hạ