Nhìn lại làn sóng bán tháo cổ phiếu ở châu Á vừa qua

Ngày 27/2/2007, tất cả các thị trường cổ phiếu ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Úc, Philippines, cùng đồng loạt sụt giảm mạnh.

Hiện tượng này lâu lắm rồi mới xảy ra, kể từ sau khi “lãnh đạo cổ phiếu thế giới” là phố Wall (Wall Street) chịu trận với sự kiện khủng bố lịch sử của nước Mỹ hồi 11/9/2001. Một sự kiện hi hữu!

 

Vậy nó đã bắt đầu thế nào?

 

Trong ngày giao dịch 27/2/2007, quá trình bán tống bán tháo được đọc hiểu bởi các bộ não phân tích như là “bước hiệu chỉnh” để làm nguội các thị trường đã bị xem là quá nóng nhiều tháng nay. Gọi bước hiệu chỉnh là cách gọi nhẹ nhàng và khoa học, nhưng giới phân tích chuyên môn cũng không quên cảnh cáo với thị trường rằng sự biến động và dao động bất ổn sẽ còn tiếp tục trong nhiều tháng. Mất cảnh giác có thể đồng nghĩa với phá sản. Đây không phải lúc chơi bạc.

 

Một số chuyên gia phân tích của "cá mập" về bảo lãnh-phát hành chứng khoán là CFSB tại châu Á đã khẳng định việc hiệu chỉnh và quá trình dao động bất ổn, với rủi ro tăng vọt nhiều khả năng tiếp diễn trong nhiều tháng. Chúng ta sẽ xem xét về mặt lý thuyết thì thị trường chứng khoán Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không.

 

Ngày 27/2/2007, cơn sụt giảm bắt đầu khi Trung Quốc tại thị trường chứng khoán Thượng Hải bị sụt giảm kỷ lục, lớn nhất trong vòng 10 năm qua, mất tới 8,8%. Sau một ngày, thị trường này có phục hồi nhưng cũng chưa được 1/2 số mất mát quá lớn, khi mà mức vốn hóa của Trung Quốc đã rất lớn ở Thượng Hải. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng được 3,9% phiên ngày 28/2/2007, và đóng cửa ở mức 2.881,07 điểm.

 

Báo chí Trung Quốc đã vận hết công lực, và phải dùng tới cả lời phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo để trấn an dư luận trong các nhà đầu tư nội địa rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

 

Giống như Việt Nam, các nhà đầu tư nội địa và nhỏ lẻ tại Trung Quốc chiếm tỉ lệ tuyệt đại đa số người chơi trên thị trường chứng khoán. Chính phủ cũng phải phủ nhận tin đồn trước đó về khả năng áp 20% thuế lợi tức chứng khoán. Người ta nói rằng tin này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng “ngày thứ ba đen tối”, nhưng tôi tin rằng còn có nguyên nhân sâu xa hơn - tôi gọi là “suy giảm niềm tin có tính chất chu kỳ”.

 

Mặc dù vậy khắp châu Á, các nhà đầu tư tiếp tục bán đổ bán tháo cổ phiếu đồng loạt phần nào bị hoang mang khi thấy chỉ số Dow Jones công nghiệp sụt 3,3%, mức rất lớn chỉ qua một đêm. Tượng đài Alan Greenspan trước đó lại dấy thêm nỗi lo ngại khi nhận định có thể Mỹ sẽ bị suy thoái vào cuối năm.

 

Các nhà đầu tư thêm phần nhăn nhó. Chỉ số Nikkei Nhật mất 515,8 điểm (khoảng 2,85%) đóng cửa 17.604,12. thị trường chứng khoán Philippines rơi tự do gần 8%, cú ghê rợn nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á khi đỉnh điểm hồi 1997. Malaysia mất 3,3% và Úc 2,7%, cùng có hiệu ứng phục hồi giá intraday. Chỉ số quan trọng nhất của Anh FTSE-100 rớt 0,9% và CAC 40 của Pháp mất 1% trong sáng ngày 28/2/2007.

 

Hai tuần lễ sau, làn sóng bán tháo cổ phiếu mới khởi nguồn từ Mỹ rồi lan sang châu Âu và châu Á một lần nữa lại khiến thị trường chứng khoán thế giới nghiêng ngả. Cuối phiên giao dịch ngày 13/3/2007, chỉ số S&P 500 giảm 2,04%, Dow Jones Index giảm 1,97%. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở London và một số hàn thử biểu khác ở Đức, Pháp đều mất điểm với mức trên 1%.

 

Cùng ngày, chỉ số Nikkei giảm 2,98%. Tại Australia, chỉ số S&P ASX200 giảm 1,8%. Hang Seng Index ở Hong Kong trượt dài với mức 2,7%. Chỉ số chứng khoán ở các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đồng loạt giảm 1,7-2,8%.

 

Nhưng cũng rất ngoạn mục là chỉ đến ngày hôm sau, 14/3/2007, dấu hiệu phục hồi lại đồng loạt xuất hiện. Kết thúc phiên giao dịch, S&P 500 tăng 9,22 điểm, lên 1.387,17 điểm, trong khi phiên trước đó giảm tới 1.363,98 - mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây. Dow tăng 57,44 điểm, lên 12.133,40 điểm. Nasdaq Composite Index tăng 21,17 lên 2371,74 điểm.

 

Tại châu Á, Nikkei 225 (Nhật) tăng 1%, Topix tăng 0,9%. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,4%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 1,46%, Shenzhen Composite tăng 1,2%. Riêng chỉ số Hangseng (Hong Kong) giữ nguyên mức 18.836,93 điểm.

 

Thời đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều quỹ vào Việt Nam đã phải dứt áo ra đi, chỉ thu hồi được chừng 20-30% tài sản mang vào. Cả huyền thoại kinh doanh Mark Mobius cũng không ngoại lệ. Tiến sỹ Mobius bị cổ đông quốc tế kiện sau đó suốt 4 năm trời, và chỉ thoát nạn năm 2004; khi tòa phán quyết hiệu lực đã hết và bằng chứng không đủ đưa ra tuyên án cuối cùng.

 

Câu chuyện này các quỹ đầu tư còn nhớ nguyên. Ông Scriven, ông Vontobel hay ông Freund thì cũng đều biết chuyện này và sẽ phải có phương án của các ông ấy. Còn các nhà đầu tư Việt Nam thì có phương án gì?

 

Rõ ràng đầu tư chứng khoán vào những thời điểm nhạy cảm là quyết định cần đủ thông tin. Mọi sự cưỡng bức kể cả trấn an tâm lý dù có làm tốt đến đâu thì cũng chỉ kéo dài quá trình điều chỉnh. Tỉnh táo và sử dụng tốt các nguồn thông tin có giá trị lúc này sẽ rất có ích cho sự bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Thị trường chứng khoán non trẻ như Việt Nam có thể đã có những bước phát triển nhờ nguồn vốn trước sức ép đầu tư. Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng một nền kinh tế khó lòng chỉ trông chờ và hào hứng tìm kiếm lợi nhuận, bất cần căn cứ.

 

Một số nhà đầu tư có thể kiếm hàng triệu Đô la lợi nhuận đầu tiên dễ dàng. Nhưng cả một nền kinh tế đã chạm được tới nền văn minh của một loại hàng hóa cao cấp, rất tinh tế và cũng vô cùng đỏng đảnh trước các biến động lớn nhỏ hay không thì chúng ta có thể ngờ vực. Chính các nhà đầu tư cũng ngờ vực.

 

Trung Quốc không khác Việt Nam bao nhiêu, và cái cảnh báo của thế giới về “sự cố” Trung Quốc, tới mức Tổng thống Bush phải điện đàm khẩn cấp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, có lẽ không thể không khiến những người quan tâm tới tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn nghĩ tiếp cho dù những ngày gần đây, các thị trường chứng khoán khu vực đã phát đi tín hiệu phục hồi.

 

Theo Châu Hà
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm