Nhiều ngân hàng quan tâm phát hành trái phiếu?

Chỉ trong tháng 7/2007, tổng giá trị trái phiếu các ngân hàng được phép phát hành lên đến 21.500 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Tại sao thế?

Về phía các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu là tạo ra một kênh huy động vốn mới, nhất là trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, một chuyên gia nhận định rằng việc nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu là hệ quả của chính sách tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi mà NHNN đưa ra hồi tháng 5.

Dự trữ bắt buộc tăng nhưng thực chất các ngân hàng thương mại vẫn được hưởng lãi trên phần tiền gửi bắt buộc. Nếu không bị “bắt buộc” thì chắc chắn số tiền kia sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Điều này có nghĩa, mặc dù được hưởng lãi nhưng rõ ràng chi phí huy động vốn giờ đây đã tăng lên, và để tránh dự trữ bắt buộc các ngân hàng “bèn” xin phát hành trái phiếu.

Không chỉ có thế, các ngân hàng sẵn sàng trả lãi cao cho trái phiếu để thu hút người mua vì, nhìn xa hơn về tương lai, lãi suất tiền gửi dự báo sẽ theo xu hướng tăng dần và như thế, đến một lúc nào đó thì chi phí huy động vốn bằng trái phiếu kia “tự nhiên” trở nên rẻ đi.

Quan trọng hơn, phát hành trái phiếu làm tăng tổng tài sản của các ngân hàng. Giờ đây, có thể nói, tổng tài sản lớn đang là một thế mạnh mà các ngân hàng rất quan tâm khai thác.

Ngân hàng nào cũng muốn mình có tổng tài sản lớn nhất vì cổ đông và khách hàng của họ cứ thấy ngân hàng nào có tổng tài sản lớn nhất là yên tâm. Điều này hàm chứa nhiều rủi ro. Nhìn vào bảng tổng kết tài sản của một vài ngân hàng, vốn huy động rất nhiều trong khi cho vay không có bao nhiêu, tức vốn vẫn chưa được sử dụng hết. Vậy phát hành trái phiếu để làm gì?

Tháng trước, BIDV phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu. Mặc dù số liệu không công bố nhưng nhiều nguồn tin cho biết đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng khác. Như vậy, có tình trạng là ngân hàng này phát hành trái phiếu, ngân hàng khác mua vào và cứ như thế tổng tài sản của các ngân hàng đều tăng lên!

Ở một khía cạnh khác, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu để tăng khả năng cho vay trung và dài hạn cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn là kênh trung chuyển vốn chính. Thị trường chứng khoán vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chỉ một số ít doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trực tiếp từ thị trường này.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì việc phát hành trái phiếu để huy động vốn lại càng ít, mới chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Đầu tư hạ tầng TPHCM (CII) phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu hồi tháng trước với sự bảo lãnh của Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) và Công ty Chứng khoán VISecurities. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển có nhiều lý do, nhưng theo ông Đặng Doãn Kiên, Tổng giám đốc VISecurities, lý do quan trọng nhất là thiếu một tổ chức định mức tín nhiệm.

Về phía NHNN, tại sao gần đây lại cho phép nhiều ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu, đâu phải đến thời điểm này các ngân hàng mới xin? Ngày 1/8, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mới ký ban hành một văn bản, yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau để kiểm soát tình hình giá cả tăng, và cụ thể hơn đó là kiềm chế lạm phát.

Theo đó, Bộ Tài chính được yêu cầu tiến hành phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và tín phiếu kho bạc để thu hút lượng tiền “nhàn rỗi” trong lưu thông, và dĩ nhiên phải đảm bảo sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả. Còn NHNN phải rà soát lại chính sách tiền tệ, kiểm soát tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, và sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở để hạn chế cung tiền.

Như vậy, việc các ngân hàng thương mại gần đây xin phát hành trái phiếu có lẽ vì thế được khuyến khích. Còn nhiều ngân hàng đang chuẩn bị hồ sơ xin phát hành trái phiếu và họ hy vọng sẽ được chấp thuận.

Mặc dù có nhiều chính sách được đưa ra nhưng lạm phát chỉ số giá tiêu dùng bảy tháng đầu năm nay tăng cao, đến 6,19% so với cùng kỳ năm ngoái là 4,4%. Như vậy, kiểm soát lạm phát là một trong những vấn đề quan trọng của những tháng còn lại. Đây cũng là một phần trọng trách của NHNN.

Tuy nhiên, cùng một lúc muốn đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái để khuyến khích xuất khẩu thì có vẻ không ổn, vì kinh nghiệm thực tế cho thấy có ba thứ không thể tồn tại cùng một lúc (impossible trinity): vốn di chuyển tự do, tỷ giá hối đoái cố định và chính sách tiền tệ độc lập.

Theo Đức Luận
Thời báo Kinh tế Sài Gòn