Nhiều mặt hàng “tát nước theo mưa”
Theo phân tích của những chuyên gia am hiểu thị trường, việc tăng giá dịch vụ, hàng hóa... ảnh hưởng từ xăng dầu có những điểm không hợp lý khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Ngay sau đợt tăng giá xăng dầu mới đây (xăng tăng 1.000 đồng/lít, dầu tăng 700 đồng/lít), thị trường ít nhiều có biến động về giá cả. Hàng loạt dịch vụ du lịch, vận chuyển, hàng hóa... đã bắt đầu tăng giá.
Dịch vụ du lịch, vận tải tăng giá 10% - 15%
Các đơn vị kinh doanh du lịch, vận tải hàng hóa cho rằng việc họ tăng giá 10%-15% là hợp lý vì mức tăng giá tương ứng với giá xăng dầu (tăng 10%). Tuy nhiên, theo tính toán từ cơ quan chức năng, mức tăng hợp lý của chi phí vận tải, dịch vụ ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chỉ dao động từ 1,7%- 4,3%.
Nếu làm bài toán về giá thành, việc các đơn vị vận chuyển du lịch tăng đến 10% là không hợp lý. Chẳng hạn, giá thuê xe du lịch 45 chỗ (TPHCM - Đà Lạt) từ 4,2 triệu đồng tăng lên 4,7 triệu đồng/ xe (tăng gần 15%). Một chuyến xe (đi và về) chỉ mất khoảng 50 lít-60 lít dầu, với giá dầu tăng 700 đồng/lít thì cũng chỉ mất thêm 42.000 đồng.
Trong trường hợp xe sử dụng xăng cũng chỉ mất thêm 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng/ chuyến. Thế nhưng, rất nhiều nhà xe lợi dụng giá xăng dầu để đẩy dịch vụ vận chuyển du lịch tăng cao.
Chủ nhiệm một HTX vận tải hàng hóa ở quận Tân Bình cho biết: Ngay sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều điểm vận tải hàng hóa đồng loạt tăng giá cước vận chuyển. Hiện nay, giá hàng hóa vận chuyển từ TPHCM đi Hà Nội đã tăng từ 600.000 đồng lên 650.000 đồng/tấn/chuyến.
Chẳng hạn, giá vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi Hà Nội của một xe tải 15 tấn tăng 750.000 đồng/chuyến, trong khi chỉ bù thêm mức chênh lệch giá dầu từ 320.000 đồng-350.000 đồng/chuyến.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho rằng đối với ngành vận tải chỉ nên điều chỉnh giá tăng khoảng 5% là hợp lý.
Thủy hải sản tăng giá nhiều nhất
Thường xuyên theo dõi giá các mặt hàng chiến lược
Ông Huỳnh Tấn Phong, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho biết: Chi cục vẫn thường xuyên theo dõi giá cả các mặt hàng chiến lược như sắt thép, xi măng, phân bón, lương thực, thực phẩm... Nếu có biến động đột biến về giá cả, hoặc có dấu hiệu đầu cơ sẽ báo cáo tình hình lên các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Chẳng hạn như kinh doanh xăng dầu, giữ xe quá giá quy định... thì chi cục sẽ lập biên bản xử phạt hành chánh. Đối với giá cước ngành vận tải, nếu các đơn vị quản lý của ngành giao thông đề nghị hỗ trợ thì chi cục sẵn sàng vào cuộc để góp phần bình ổn giá cước vận tải. |
Tại các chợ lẻ, giá thủy hải sản cũng tăng cao. Cá bạc má giá 25.000 đồng/kg, cá thu cắt khúc: 70.000 đồng/kg, cá lóc: 32.000 đồng-35.000 đồng/kg... Nguyên nhân tăng giá được các tiểu thương lý giải là do chi phí vận chuyển tăng.
Nhiều siêu thị tại TPHCM cũng cho biết, đã có một số nhà sản xuất và nhà cung cấp thông báo sẽ tăng giá từ 3%-5%. Theo ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart: Sắp tới, hàng hóa sẽ đồng loạt tăng giá.
Chỉ cần vài ba tuần nữa khi hàng tồn của các doanh nghiệp không còn, giá mới sẽ được điều chỉnh tăng lên, nhất là mức tiêu thụ hàng hóa tăng từ nay đến cuối năm. Đại diện siêu thị Maximark 3C, quận 10 cho rằng do siêu thị ký hợp đồng kéo dài cả tháng cho nên giá cả vẫn còn ổn định, kỳ tiếp theo sẽ có biến động về giá hàng hóa. Khảo sát các quán ăn tại TPHCM cho thấy nhiều quán cũng đã tăng giá lên một vài ngàn đồng/món.
Tương tự, chủ các sạp kinh doanh trái cây tại chợ Bến Thành-Q.1, An Đông-Q.5... giải thích giá bán tăng thêm một vài ngàn đồng/kg là do chi phí vận chuyển tăng. Nhưng với giải thích trên khó có thể chấp nhận, vì một chuyến xe vận chuyển hàng trăm ký hoặc cả tấn hàng hóa thì không thể nào có mức tăng cao như vậy.
Theo Long Giang
Báo Người lao động