Nhiều “độc chiêu” lãi suất

Có lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần… thay vì gom vào nhóm không kỳ hạn. Chủ sổ tiết kiệm từ 50 tuổi trở lên được tăng thêm lãi suất 0,6%/năm. Chủ sổ tiết kiệm được quyền thương lượng lãi suất. Đó là những “độc chiêu” hấp dẫn trên thị trường tiền gửi hiện nay.

Nhiều người có những khoản tiền nhàn rỗi ngắn hạn mươi, mười lăm ngày thường chỉ gửi tiết kiệm không kỳ hạn ở ngân hàng. Bây giờ, đã có những phương thức đầu tư khác, an toàn mà lợi nhuận cao hơn tiết kiệm không kỳ hạn.

 

Một tuần lời bao nhiêu?

 

Các ngân hàng cho biết kỳ hạn một tháng là tiết kiệm có kỳ hạn thấp nhất hiện nay vì vốn huy động vào, ngân hàng còn phải trích dự trữ bắt buộc, tính toán cho vay. Đưa ra kỳ hạn thấp hơn, chi phí lớn, ngân hàng không có lời.

 

Nhưng mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã công bố lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một tuần là 0,35%/tháng, hai tuần 0,4%/tháng, ba tuần 0,45%/tháng, cao hơn tương đối so với tiết kiệm không kỳ hạn phổ biến ở nhiều ngân hàng là 0,25%/tháng.

 

SCB đặc biệt chú trọng đến những người về hưu, vốn có thói quen gửi tiết kiệm hơn thanh niên, bằng cách khuyến mãi cho đối tượng này. Cụ thể chủ sổ tiết kiệm từ 50 tuổi trở lên được tăng thêm lãi suất 0,6%/năm tất cả các kỳ hạn.

 

Ngoài ra theo ông Phạm Anh Dũng, Tổng giám đốc SCB, từ 10/11/2005 đến 7/1/2006 ngân hàng tặng thêm lãi suất 0,12%/năm tất cả các kỳ hạn cho người gửi tiết kiệm là giáo viên nhân ngày 20/11.

 

Thương lượng lãi suất

 

Trên thực tế, nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi ngắn hạn, số lượng hàng tỉ đồng trở lên, có thể trực tiếp thương lượng lãi suất với ngân hàng. Lãi suất cộng thêm có thể từ 0,05% đến 0,15%/tháng.

 

Với một số ngân hàng cổ phần, số tiền gửi tối thiểu để có thể thương lượng lãi suất là 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, với những ngân hàng nhỏ, kẹt vốn, nếu gửi 3 – 5 tỉ đồng, khách hàng cũng có thể thương lượng. Hơn nữa với tiền tỉ, khách hàng không cần phải “ôm tiền” đến ngân hàng, chỉ cần gọi điện, nhân viên sẽ đến tận nhà làm thủ tục cho người gửi.

 

Các ngân hàng quốc doanh hiếm khi thương lượng lãi suất tiền gửi ngắn hạn với cá nhân dù đó là số tiền lớn. Họ chỉ chịu đàm phán lãi suất với doanh nghiệp có số tiền gửi hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng.

 

Các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng doanh số mua bán hàng ngày, hàng tuần lớn là khách hàng mục tiêu của ngân hàng quốc doanh. Có công ty bảo hiểm gửi hàng trăm tỉ đồng ở ngân hàng chỉ 4-5 ngày cũng thương lượng được lãi suất khá hấp dẫn.

 

Gần đây, phương thức mua bán trái phiếu kỳ hạn 15 ngày (repo) của công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agriseco) được một số người áp dụng. Khách hàng đến Agriseco ký hợp đồng mua trái phiếu kỳ hạn 15 ngày.

 

Đây là loại trái phiếu chính phủ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Agriseco cam kết trong hợp đồng sẽ mua lại bằng giá bán lượng trái phiếu đã bán sau 15 ngày cộng lãi suất 0,4625%/tháng (nếu khách hàng không có tài khoản tiền gửi) hoặc 0,475%/tháng (nếu khách hàng có tài khoản).

 

Lãi suất repo trái phiếu 15 ngày cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng nói chung. Trong trường hợp khách hàng cần bán lại trái phiếu trước ngày đáo hạn, hai bên có thể cùng thoả thuận mức sinh lời cho khách hàng theo số ngày mua trái phiếu thực tế.

 

Năm ngoái, phương thức repo trái phiếu của Agriseco được nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ưa chuộng do lãi suất của nó cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm (repo còn nhiều kỳ hạn khác từ 1-9 tháng). Doanh số repo trái phiếu của công ty năm 2004 đạt hơn 10.000 tỉ đồng.

 

Song năm nay, do lãi suất tiền gửi của ngân hàng tăng trong khi lãi suất repo trái phiếu giữ nguyên, đã khiến cho doanh số repo trái phiếu giảm. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời từ repo trái phiếu 15 ngày vẫn hơn hẳn gửi tiền vào ngân hàng cùng kỳ hạn.

 

Theo Sài Gòn tiếp thị