Nhiều doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi Trung Quốc
(Dân trí) - Ngày càng nhiều nhà máy của Hàn Quốc bí mật ngừng hoạt động tại miền đông Trung Quốc, do không chịu nổi tình trạng chi phí sản xuất tăng cao.
Thiệt thòi nhất vẫn là người lao động, như Lý Hoa và hơn 200 đồng nghiệp của cô tại một nhà máy sản xuất đồ chơi. Họ đã phải kiên trì theo kiện trong suốt một năm qua mới đòi được số tiền lương 6 tuần mà chủ nhà máy còn nợ họ từ đầu năm 2007. Điều đáng nói hơn nữa là người chủ Hàn Quốc đã âm thầm đóng cửa nhà máy và “tháo chạy” trong khi các công nhân đang nghỉ Tết Nguyên đán 2007.
“Ngày đầu tiên trở lại làm việc sau Tết, tôi chỉ được thông báo ngắn gọn là ông chủ Hàn Quốc đã về nước và nhà máy bị đóng cửa,” cô nhớ lại.
Trường hợp của Lý Hoa không phải là chuyện hiếm ở Thanh Đảo - thành phố cảng và là trung tâm công nghiệp ở phía đông Trung Quốc. Chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc hai giờ bay và là nơi cư trú thường xuyên của khoảng 100.000 người Hàn Quốc, thành phố Thanh Đảo là điểm dừng chân của rất nhiều nhà máy Hàn Quốc, để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.
Tuy nhiên, gần đây, ngày càng nhiều nhà máy của Hàn Quốc đã bất ngờ đóng cửa và đa số chủ đều lặng lẽ “lặn mất tăm”. Nguyên nhân là do chi phí nhân công tại đây tăng cao trong khi những ưu đãi về thuế không còn, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nhiều nhà máy trong số này chuyên sản xuất đồ chơi, hàng dệt may và đồ trang trí để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và cả xuất ngược về Hàn Quốc.
Những gì đang diễn ra tại Thanh Đảo phản ánh tình trạng chung ở vùng châu thổ sông Châu Giang gần Hồng Kông. Nơi đây, hàng nghìn nhà máy, phần lớn của doanh nghiệp Đài Loan và Hồng Kông, đang chuyển cơ sở sản xuất vào sâu trong nội địa hoặc ra nước ngoài, hay đơn giản là ngừng hoạt động.
Việc chi phí sản xuất ngày một tăng đang dần xoá đi quan niệm rằng Trung Quốc là địa điểm sản xuất rẻ nhất thế giới.
Tại Thanh Đảo, ông Sung Jeung Han, giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, cho biết 20-30% tổng số khoảng 6.000 công ty Hàn Quốc ở đây đang rơi vào thua lỗ. “Lương tăng, đồng Nhân dân tệ lên giá, nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng giá là các nguyên nhân chủ yếu đằng sau sự thoái lui của các doanh nghiệp Hàn Quốc,” ông nói.
Mức lương tối thiểu ở Thanh Đảo đã tăng 43% trong vòng 3 năm qua lên 760 tệ/tháng.
Bên cạnh đó, các chính sách khác của chính phủ Trung Quốc nhằm phân phối tài sản và hạ nhiệt các vấn đề xã hội khiến chủ doanh nghiệp phải cải thiện phúc lợi bắt buộc cho người lao động và trả phí ô nhiễm môi trường cao hơn.
Ông Dang Guoying, chuyên gia kinh tế nông thôn của Học viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc, cho biết các quy định pháp luật đúng là đang tạo sức ép đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng chúng sẽ đem lại nhiều lợi ích, dù tạm thời trước mắt đang có những tác động tiêu cực.
Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết trong vòng 8 năm qua đã có 206 chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tháo chạy khỏi Thanh Đảo, bỏ qua các thủ tục pháp lý cần thiết về giải thể nhà máy, như thanh toán hết lương cũng như trả tiền trợ cấp thôi việc cho công nhân.
Lo lắng cho uy tín của đất nước, chính phủ Hàn Quốc đã cử các điều tra viên sang trao đổi cụ thể với giới chức Trung Quốc.
“Lén lút đóng cửa doanh nghiệp là một việc làm không hay trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để tránh điều này,” ông Kang Hyung Shik, Lãnh sự Hàn Quốc tại Thanh Đảo nói.
Lãnh sự đã lập một nhóm công tác có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc tiến hành các thủ tục giải thế doanh nghiệp đúng luật, đồng thời yêu cầu chính phủ Trung Quốc đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
Ông Hong Ji In, Chủ tịch Uỷ ban hợp tác thương mại của Bộ Thương mại Hàn Quốc, cho biết chính phủ nước này sẽ phạt những công ty rời Trung Quốc một cách bất hợp pháp và tạo điều kiện cho công nhân Trung Quốc kiện chủ ra toà án ở Hàn Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh đã cử một số quan chức của Bộ Thương mại đến Thanh Đảo để trao đổi cụ thể với các doanh nghiệp Hàn Quốc về tác động của việc tăng lương, chi phí sản xuất, đồng nội tệ và việc giảm ưu đãi thuế đối với hoạt động và lợi nhuận của nhà máy.
Đặng Lê
Theo IHT