Đại biểu Quốc hội:

"Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, một số phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ"

Mộc An

(Dân trí) - Thảo luận về kinh tế, xã hội, một số đại biểu Quốc hội nêu câu chuyện tắc nghẽn dòng vốn, lãi suất tăng nhanh với lãi suất trung bình 12%/năm, có nơi 14%/năm.

Chiều 31/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Những vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội thảo luận là mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% và sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) lấy ví dụ về tình hình kiệt sức của các doanh nghiệp thủy sản. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.

Đại biểu cho biết không chỉ doanh nghiệp thủy sản mà doanh nghiệp ngành khác cũng trong tình trạng tương tự do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên trường quốc tế gia tăng. Họ buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

"Từ cuối năm 2022 đến nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến từng dòng người lũ lượt về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội", đại biểu chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, một số phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ - 1

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói về thực trạng doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo ông, thực trạng này là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần đến từ nội tại là tắc nghẽn dòng vốn. Theo đó, mặt bằng lãi suất tăng nhanh từ tháng 7/ 2022 với lãi suất trung bình 12%/năm, thậm chí có nơi lên tới 14%/năm.

Lãi suất cao nhưng việc tiếp cận dòng vốn cũng không hề dễ dàng vì các ngân hàng lo ngại rủi ro. Không chỉ vậy vay thương mại gặp khó, dòng vốn ưu đã thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng tắc nghẽn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% đến hết tháng 3 mới giải ngân được 327 tỷ đồng, đạt có 0,8% trong tổng 40.000 tỷ đồng.

"Nhiều dự án vướng về thủ tục pháp lý, phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ. Mặt khác do mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong chính sách nên cả bên cho vay và bên vay đều không mặn mà trong việc thực hiện", đại biểu tỉnh Cà Mau nêu vấn đề.

Đại biểu này kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất với Quốc hội hay tự thân có những chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp, rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế. Ông cũng kiến nghị rà soát loại bỏ các quy định chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp khát vốn, quan trọng là câu chuyện tiếp cận vốn 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bắc Kạn) và Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5%. Cả 2 đại biểu đánh giá bức tranh kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 chủ yếu là gam màu xám. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn thách thức.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, một số phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ - 2

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông lo ngại việc hoàn thành mục tiêu 6,5% là rất khó khăn (Ảnh: Quochoi.vn).

Số liệu cho thấy tăng trưởng GDP trong quý I năm nay đạt 3,32%, như vậy để đạt được mục tiêu 6,5%, ông An cho rằng cần phải có quyết tâm cao độ và mỗi quý còn lại phải đạt mức 7,5%.

"Do đó, phải theo dõi sát tình hình diễn biến kinh tế các nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động kịp thời. Cần phải chú trọng, củng cố kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển", đại biểu tỉnh Đồng Nai phát biểu.

Các đại biểu nhấn mạnh doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển nhưng số liệu cho thấy các doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn. Giải pháp cốt lõi hiện nay là bồi dưỡng sức khỏe cho doanh nghiệp.

Đại biểu An nêu 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, gồm thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn về dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nhìn vào những con số ta thấy rằng hệ thống doanh nghiệp đang thực sự khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Và nếu tiếp cận được thì cũng khó giải ngân do điều kiện vay và thủ tục vay", ông Trịnh Xuân An nêu vấn đề.

Đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất mặc dù lãi suất đang còn cao. Tuy nhiên, theo ông việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận được vốn và đưa được vốn vào sản xuất kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đối với doanh nghiệp đang cần. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh huy động vốn khác như trái phiếu, chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, một số phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ - 3

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải (Ảnh: Quochoi.vn).

"Không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng phải ra công điện"

Đại biểu cho biết Chính phủ cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt là cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải "đi xin, đi chạy". Và nhà quản lý thì cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.

"Những việc cần làm gì để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan các bộ ngành và đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã gần đất xa trời. Đối với những dự án pháp lý đầy đủ và đúng quy trình thì địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được một dự án nào", ông kiến nghị.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đại biểu đề nghị bớt các thủ tục kiểm tra thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh doanh nghiệp cứ phải lao đao đi giải trình. Với tinh thần đó thì các biện pháp tháo gỡ, gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy cả thị trường trong và ngoài nước, phải đồng bộ thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ngoài ra cần xử lý dứt điểm các vướng mắc thể chế gây ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong quản lý cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các bộ ngành, làm rõ vai trò chủ trì, xử lý hạn chế đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

"Không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng phải ra công điện hoặc Chính phủ phải ra Nghị quyết để gỡ khó. Thực tế thời gian qua việc chúng ta xử lý xếp hàng mua xăng, đăng kiểm ô tô, loay hoay với quy định phòng cháy chữa cháy cho thấy trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành là rất thấp. Cần tăng cường vai trò phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương", đại biểu nêu.