Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất thoát khỏi lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
(Dân trí) - Đề xuất cho hướng đi của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh tới việc “tự chủ kinh tế”, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, nhất là với Trung Quốc.
Nền kinh tế của chúng ta tuy có tăng trưởng, nhưng rất mỏng manh và thiếu vững chắc, tổng cầu không tăng, sức mua thì chưa được chuyển biến, tồn kho, nợ xấu tăng và phá sản cũng vẫn tăng, vốn tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh cũng có mức độ và tập trung nhiều cho mua trái phiếu Chính phủ. Đây là một dòng vốn chuyển không được lành mạnh và góp phần cho tăng trưởng hạn chế.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Về giải pháp cho 7 tháng còn lại, Nghị quyết trung ương về phần kinh tế và Nghị quyết tháng 5 của Chính phủ để giải quyết những vấn đề từ nay đến cuối năm, tôi thấy rất rõ và cũng kịp thời. Bây giờ chỉ còn triển khai nhanh chủ trương này cho vào cuộc sống ở 2 điểm:
Một là chọn lại các khuyết điểm, tồn tại của chúng ta trong báo cáo đã nêu để chúng ta sửa cho nó có hiệu quả. Hai là phải có một phương án chủ động đối phó với leo thang của Trung Quốc trong mọi tình huống trước mắt và lâu dài, theo một lộ trình hợp lý, không nóng vội, nhưng không được chần chừ.
“6 tháng cuối năm sẽ có những khó khăn mới xuất hiện, xuất hiện lớn nhất là leo thang vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, nó sẽ tác dụng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội, đời sống của chúng ta. Do đó, chúng ta cần chủ động để nắm tình hình, chống lại hoặc xử lý nghiêm túc những xuyên tạc, những kích động và những phá hoại”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là thời cơ cho chúng ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, mối giao thương với Trung Quốc gặp khó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông lâm sản. Điều này rất cần các bộ, ngành, Chính phủ trợ giúp nông dân, giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.
Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Có chính sách thu hút các nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản, các địa phương nên kêu gọi công nhân, nông dân không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản để cùng ra biển, giống như trước đây kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi.
Đối với ngân hàng, tăng cường đầu tư cho vay lãi suất thấp hơn, định mức vốn vay phải cao hơn, thời hạn vay phải dài hơn và việc cho vay này phải trực tiếp đến địa chỉ từng chủ tầu, cấm qua trung gian. Các doanh nghiệp hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tầu cổ phần chia lợi nhuận. Chính quyền các địa phương sẽ ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp, nhưng nghiêm trị mọi hành vi trục lợi của các tổ chức và cá nhân. Tôi cũng đề nghị Chính phủ nên có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương.
Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế đương nhiên phụ thuộc vào nhau để hướng tới và cùng chia sẻ các chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lệ thuộc kinh tế thì cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, các số liệu chính thức lại cho thấy kinh tế nước ta đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu và vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản.
Lệ thuộc về kinh tế như vậy khó tránh khỏi các lệ thuộc khác, hoàn toàn bất lợi trong mọi tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và tương lai gần hay là xa. Tôi đề nghị nên có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc, nguy hiểm về kinh tế. Đây hẳn là công việc lâu dài, nhiều khó khăn nhưng cần được khởi động ngay trong năm 2014 này. Trong phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế đang tiến hành cần có các biện pháp thích hợp để thoát dần sự lệ thuộc.
Láng giềng của ta đã vội vã rút chuyên gia và công nhân, bỏ lại nhiều công trường, xí nghiệp ngổn ngang. Họ cũng đã tuyên bố dừng các chương trình trao đổi giữa hai nước và chưa biết sắp tới sẽ còn gì nữa, nếu sự kiện giàn khoan chưa yên. Chúng ta phải nhanh chóng khắc phục có kết quả những hệ lụy đó và chuẩn bị cho tất cả các tình huống xấu.
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 phải có sự chuyển hướng này, kể cả việc phân bổ ngân sách và đầu tư. Tuy nhiên nỗ lực thoát lệ thuộc về kinh tế không có nghĩa là bỏ qua các quan hệ hợp tác kinh tế tăng sẽ có lợi của cả hai bên mà ngược lại còn phải tăng cường hợp tác làm ăn trên những lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Nhưng trong hợp tác làm ăn đó, ta phải điều chỉnh lại mình, chủ động bình đẳng chặt chẽ có luật pháp và nhất là phải đoàn kết hơn, có như thế mới mong thoát dần của sự lệ thuộc.
Công việc quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, một lĩnh vực mà suốt mấy mươi năm qua không hiểu vì sao ta đã bỏ qua. Mặt khác trong phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp cần nhanh chóng tính đến lộ trình điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản vừa giúp người nông dân đỡ thua lỗ cơ cực vừa thoát dần khỏi sự lệ thuộc về thị trường. Tôi tin rằng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do thì chúng ta sẽ đưa tiến trình tự chủ kinh tế sớm thành công.
Do đó, tôi đề nghị lấy năm 2014 này nên là năm khởi động tiến trình tự chủ kinh tế mà trước tiên thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế với nước láng giềng phương Bắc.
Ảnh: Việt Hưng