1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ bất ngờ báo lỗ

Phương Liên

(Dân trí) - Kết quả kinh doanh trong năm 2022 của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều giảm sút khi tỷ lệ bồi thường tăng trở lại và hoạt động đầu tư ảm đạm.

Năm 2022, trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, ngành bảo hiểm không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19 nên đã duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại và không có nhiều sự đột phá. Kết quả kinh doanh trong năm vừa qua của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều giảm sút khi tỷ lệ bồi thường tăng trở lại và hoạt động đầu tư ảm đạm.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với tổng tài sản ước tính đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 68.201 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm trước. Chỉ tính riêng quý IV/2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm đã tăng khoảng 15,8% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%.

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của các đơn vị, tổng doanh thu của 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết năm 2022 tăng trên 12%, đạt hơn 80.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm và môi giới đạt 67.980 tỷ đồng, chiếm gần 85% tổng doanh thu và tăng 13% so với năm 2021.

Doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng hai con số

Năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận mức doanh thu hợp nhất hơn 50.000 tỷ đồng. Chỉ riêng trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu của "ông lớn" Bảo Việt đạt 11.145 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3% so với năm 2021.

Là doanh nghiệp có thị phần nằm trong top đầu ngành bảo hiểm, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh ghi nhận tổng doanh thu đạt 4.807 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với kết quả của năm 2021. Cùng chiều tăng còn có Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện với mức tổng doanh thu đạt 5.314 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 311 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 314 tỷ đồng của năm 2021.

Xét về mức tăng trưởng doanh thu, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không là cái tên đáng chú ý khi đạt hơn 2.500 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gần 50% so với năm 2021. Với quy mô khách hàng liên tục tăng mạnh, chỉ riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp này đạt gần đạt hơn 2.328 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế cả năm của doanh nghiệp này đạt 21,1 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 5,5%.

 

Mới đây, DB Insurance, một tập đoàn bảo hiểm lớn của Hàn Quốc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không với một nhóm cổ đông gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và một nhà đầu tư tổ chức. Nếu thương vụ trên diễn ra thành công, DB Insurance sẽ sở hữu 75% vốn điều lệ và nắm quyền chi bảo hiểm hàng không. "Ông lớn" Hàn Quốc này đã có mặt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam hơn 10 năm nay và hiện vẫn đang là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện với 37% cổ phần.

Ngược lại, Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam là đơn vị duy nhất có doanh thu giảm trong năm qua khi chỉ đạt 1.861 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với năm trước đó.

Bên cạnh doanh thu từ hoạt động bảo hiểm, doanh thu tài chính cũng chiếm phần quan trọng đối với nhóm bảo hiểm phi nhân thọ khi đạt hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt có mức doanh thu tài chính gần 10.000 tỷ đồng, tiếp đó là Bảo hiểm BIDV và Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam với mức doanh thu tài chính ghi nhận lần lượt là 395 tỷ đồng và 347 tỷ đồng. 

Bảo hiểm Bảo Long là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng doanh thu tài chính tốt mức tăng hơn 45%, đạt 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Quân đội và Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam là những doanh nghiệp có mức thu từ hoạt động tài chính sụt giảm hơn 20% so với năm 2021.

Gánh nặng chi phí kinh doanh kéo lùi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lớn

Dù tăng trưởng cao và chiếm ưu thế về doanh thu, Bảo hiểm Bưu Điện lại là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ nặng nhất trong năm 2022 với mức lỗ lên đến hơn 351 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này vẫn có mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 328 tỷ đồng, cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp bảo hiểm này ghi nhận thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Chỉ tính riêng trong quý IV/2022, doanh thu thuần bảo hiểm của Bảo hiểm Bưu Điện giảm 7% còn gần 1.322 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí bồi thường bảo hiểm xấp xỉ cùng kỳ năm trước nên doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm giảm tới 65% xuống chưa tới 49 tỷ đồng. Doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư của doanh nghiệp này cũng giảm 75% xuống còn gần 2 tỷ đồng. Kết quả, Bảo hiểm Bưu Điện lỗ sau thuế hơn 4,4 tỷ đồng và là quý thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận thua lỗ.

 

Theo giải trình báo cáo tài chính riêng năm 2022, năm qua, công ty phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm "Vững Tâm An" số tiền hơn 353 tỷ đồng. Không chỉ vậy, năm vừa qua cả nước đã duy trì tình trạng bình thường mới với dịch bệnh Covid-19, không còn giãn cách khiến chi phí bồi thường tăng mạnh so với cùng kỳ, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Tổng chi bồi thường bảo hiểm cả năm 2022 tăng hơn 747 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng chung kết quả ảm đạm, Tập đoàn Bảo Việt cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế giảm 388 tỷ đồng do chi phí bồi thường bảo hiểm và chi phí khác tăng cao.

Các doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận hơn 20% phải kể đến Công ty cổ phần Petrolimex và Bảo hiểm BIDV có mức lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 184 và 109 tỷ đồng. Những khoản giảm trên đã khiến lợi nhuận chung của nhóm doanh nghiệp này giảm hơn 1.415 tỷ đồng so với năm 2021.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo Minh là 2 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi cao nhất trong năm qua với mức lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 463 tỷ đồng và 343 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Kết quả này phần lớn nhờ vào việc kiểm soát chi phí bán hàng và tài chính giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có nhiều dư địa để phát triển khi mà thị trường dần ổn định, mức sống của người dân không ngừng tăng lên. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của mình cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ra mắt các sản phẩm mới… đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang tăng tốc nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm