Nhiều biến động tại Formosa khiến kinh tế Hà Tĩnh giảm sâu

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh năm 2016 giảm mạnh đến 17,06% so với năm 2015. Những biến động tại Formosa được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉnh này giảm sâu chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP).

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh năm 2016 tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đang diễn ra (từ 13-15/12/2016), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nêu lên bức tranh kinh tế hết sức ảm đạm của tỉnh này. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm sâu so với năm 2015, với mức âm 17%. Có đến 11/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch theo Nghị quyết HĐND tỉnh.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm -11,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp -6,3 điểm phần trăm (trong đó các ngành thương mại, dịch vụ đóng góp 0,41 điểm phần trăm và thuế đóng góp -6,7 điểm phần trăm); nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,82 điểm phần trăm.

Theo báo cáo trên, những biến động tại khu công nghiệp Formosa, bao gồm giảm mạnh vốn đầu tư, nhà máy thép chưa hoạt động đúng công suất, tác động từ sự cố môi trường biển, là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Hà Tĩnh giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Việc Formosa giảm vốn đầu tư đã góp phần đầy kinh tế Hà Tĩnh biến động nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Việc Formosa giảm vốn đầu tư đã góp phần đầy kinh tế Hà Tĩnh biến động nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, dự án Formosa đã bước sang giai đoạn hoàn thiện nên vốn đầu tư của dự án này giảm đến 68,5% so với năm 2015. Việc Formosa giảm mạnh đầu tư, trong khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, dự án đầu tư bến 5,6 cảng Vũng Áng chưa triển khai xây dựng trong năm như dự kiến, đã khiến dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh giảm 67,4% so với năm 2015, đẩy mức tăng trưởng trưởng chung của ngành xây dựng tỉnh Hà Tĩnh giảm 46,59% so với năm 2015, tương đương giảm 12,46 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Tiếp đến, Nhà máy thép Formosa chưa đi vào sản xuất như dự kiến cũng khiến tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh chậm lại. Theo kế hoạch, năm 2016, doanh nghiệp này sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn thép, nhưng kết thúc năm sản lượng thép chỉ đạt 0,2 triệu tấn và mới sản xuất thử từ phôi nhập khẩu.

Việc Formosa chưa đạt công suất sản xuất như thiết kế với nhiều lí do khác nhau đã góp phần làm giảm 11.733 tỷ đồng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, tương đương làm giảm -57,84 điểm phần trăm tăng trưởng của ngành công nghiệp và làm giảm 6,97 điểm phần trăm của tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh.

Đây cũng chính là nguyên nhân làm giảm chỉ số tăng sản xuất công nghiệp chỉ đạt 15,37%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 187%...

Formosa cũng là tác nhân gây ra sự cố môi trường biển, góp phần khiến các dự án kinh doanh dịch vụ lưu trú, khai thác nhà xưởng tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh giảm 70% số lượng phòng cho thuê. Nhà máy đông lạnh Nam Hà Tĩnh hoạt động cầm chừng do không có nguyên liệu. Khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 4,89%, thấp hơn mức dự kiến kế hoạch là 7,73% và chỉ đóng 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Văn Dũng