Nhật rời Trung Quốc, nhưng không chọn Việt Nam?

Việt Nam trong bối cảnh hiện nay mà không nắm bắt cơ hội từ chuyện rời Trung Quốc thì thật uổng. Nhưng làm thế nào để nắm bắt được lại là chuyện khác - GS Yoshiharu Tsuboi, Cố vấn cao cấp của JICA.

Không phải quyết tâm 'suông'

Dường như xưa nay quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam yếu, và luôn phải thay đổi chính sách liên tục, là do thiếu sự nghiên cứu, điều tra, khảo sát, cũng như một cơ sở dữ liệu, đầy đủ. Theo dõi sự phát triển của Việt Nam hai thập kỷ qua, ông có nhận ra điều này không?

Đúng vậy. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn, từ nhiều năm nay, rằng sự bất định, hay mơ hồ, của chính sách ở Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến việc tính toán chiến lược kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu là một quá trình vất vả, nghiêm túc, lâu dài và tốn nhiều tiền bạc, chứ không phải cứ hạ quyết tâm "suông" là được.

Là cố vấn cao cấp của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), ông có tư vấn cho tổ chức này dành một phần viện trợ để giúp Việt Nam xây dựng những cơ sở dữ liệu, và một thể chế hoạch định chính sách, không?

Xưa nay, phần lớn ODA của Nhật tập trung vào phát triển hạ tầng cứng như cầu đường, bến cảng, sân bay... Nhưng trong thời gian tới, một khoản ODA cũng sẽ được dành cho xây dựng thể chế, hay xây dựng năng lực. Và vai trò của tôi ở JICA cũng là để thúc đẩy điều đó.

Hiện nay, tôi và Đại sứ Yasuaki Tanizaki đang tập trung vào củng cố 5 lĩnh vực chính. Đó là xây dựng chiến lược công nghiệp ở Việt Nam, đào tạo nhân lực ở nhiều cấp độ (từ giáo dục đại học đến đào tạo nghề, đào tạo hộ lý), chính sách tiền tệ, sửa đổi hiến pháp và sản xuất phát hành đồng tiền của Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào công nghệ của Úc.

GS Tsuboi tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4. Ảnh:

GS Tsuboi tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4. Ảnh: Huỳnh Phan

Xin ông nói cụ thể hơn về hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực chính sách tiền tệ.

Từ đầu năm nay, Bộ Tài chính - Tổng cục Tài chính Nhật Bản đã thảo luận với các cơ quan tương nhiệm của Việt Nam về hướng giải quyết nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam, cũng như những biện pháp, trong đó có cả pháp lý, để ứng phó với nguy cơ đổ vỡ của nền kinh tế "bong bóng xà phòng", bắt đầu từ giao dịch bất động sản.

Thế còn về sửa đổi hiến pháp?

Cục Pháp chế Hạ viện Nhật, cũng như các chuyên gia hàng đầu về Hiến pháp như Giáo sư Hasebe Yasuo (Đại học Tokyo), hay Giáo sư Takami Katsutoshi (Đại học Sophia), đã tiến hành chương trình hỗ trợ tri thức cho ban soạn thảo sửa đổi hiến pháp của Việt Nam, gồm Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Những vấn đề gì được phía Nhật tư vấn cho phía Việt Nam?

Chủ nghĩa lập hiến, cơ cấu chính trị, nhân quyền, hay tính độc lập của tòa án.

Bẫy lao động giá rẻ

Vào tháng 8.2010, tôi đã thấy ông trong cuộc hội thảo tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam liên quan đến hoạch định chính sách công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Sau hơn 2 năm, đã có những bước tiến gì chưa ông?

Việt Nam cứ quẩn quanh mãi với việc xác định những ngành công nghiệp mũi nhọn mãi vẫn chưa xong, trong khi thế giới đã thay đổi nhiều rồi. Chẳng hạn, với ngành công nghiệp ô tô đã có sự thay đổi hướng phát triển sang xe chạy điện.

Vị Giáo sư Hungary mà chúng ta cùng nghe trình bày tại Hội thảo Việt Nam học, có nói rằng ưu thế lao động giá rẻ, như Việt Nam đang triệt để khai thác hiện nay, cũng là một cái bẫy lớn. Ông nghĩ thế nào?

Đúng vậy. Việt Nam không nên chọn con đường này nữa, bởi người lao động Việt Nam rất thông minh, nhanh nhẹn, và khéo tay. Ngoài việc nâng cao kỹ năng, nói chung là chất lượng lao động, Việt Nam cần xây dựng một thể chế phù hợp với tình hình mới.
 
Hiện nay, căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến Senkaku. Và khác với những căng thẳng trên biển ở khu vực này, căng thẳng về tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã lan cả lên bộ, khi nhiều người Trung Quốc đã tranh thủ phá hoại các cửa hiệu, hay cơ sở sản xuất của người Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc.

Ông có nghĩ việc tiếp tục sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc sẽ an toàn cho các nhà đầu tư Nhật Bản? Liệu sẽ có một số nhà đầu tư Nhật sẽ chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á, trong cái xu thế Trung Hoa cộng một, hoặc chuyển luôn nhà máy đi khỏi Trung Quốc? Liệu có cơ hội gì cho Việt Nam, tuy có vẻ không còn nhiều hấp dẫn về thu hút đầu tư, nhưng, lại rất đang rất khát vốn không?

Anh nói đúng, vấn đề này ở Nhật Bản đang là vấn đề nóng hổi, và đúng như anh nghĩ. Nhưng, rất tiếc, đa phần các nhà đầu tư chọn Indonesia, hay Thái Lan, chứ số chọn Việt Nam rất ít.

Tôi nghĩ Việt Nam, trong bối cảnh như anh nhận xét, mà không nắm bắt cơ hội này thì thật uổng. Nhưng làm thế nào để nắm bắt lại là chuyện khác. Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan ngại về sự bất định về luật pháp của Việt Nam, tức là khó tiên đoán được trong tương lai sẽ thay đổi theo kiểu gì.

Nhật Bản đã từng khởi xướng chương trình "Sáng kiến chung Nhật - Việt", nhằm cải thiện mối trường kinh doanh - đầu tư ở Việt Nam. Bây giờ, khi quan hệ hai nước đã là đối tác chiến lược, phía Nhật Bản có những đề xuất gì mới không?

Là một đối tác chiến lược, Nhật Bản nghiên cứu rất kỹ và hiểu rất rõ những điểm yếu của Việt Nam. Đó không chỉ về trình độ phát triển kinh tế, mà còn là trình độ điều hành xã hội, đất nước.

Nhật Bản mong muốn Việt Nam mạnh hơn nữa, không chỉ trong ngắn hạn, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh quân sự, mà cả trong tương lai dài, bằng cách khắc phục những điểm yếu, để thực sự trở thành một nước có vị thế trong khu vực.

Để khắc phục được những nhược điểm trên, và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Nhật - Việt, chúng ta trước tiên phải nhanh chóng giải quyết ba vấn đề trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và khả năng điều hành làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và hoạch định chính sách phát triển công nghiệp chủ lực (mũi nhọn).

Nếu được yêu cầu cho một lời khuyên về việc chọn ngành công nghiệp chủ lực, hay mũi nhọn, ông sẽ khuyên Việt Nam thế nào?

Theo tôi, Việt Nam nên chọn những ngành liên quan đến gia công chế biến nông sản, hay liên quan đến môi trường.

Xin cảm ơn ông.

Ba đề xuất của phía Nhật Bản đối với phía Việt Nam:
 
Thứ nhất là vấn đề tham nhũng và trì trệ về mặt thủ tục hành chính. Trên thực tế, khi triển khai bất kỳ một hoạt động nào đó ở Việt Nam, giai đoạn chuẩn bị và các thủ tục thường mất rất nhiều thời gian. Phía Nhật thường bị yêu cầu trả những khoản chi phí không rõ lý do, và có tâm lý không hài lòng khi nhiều công việc không thể tiến triển như mong muốn. Đây chính là vấn đề thiếu minh bạch về mặt chính trị và hành chính.
 
Thứ hai là nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và tìm đến Việt Nam do nghe thông tin là Việt Nam có nguồn nhân lực ưu tú và có tuổi đời trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, họ lại không tìm được nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu.
 
Đặc biệt, có những ý kiến chỉ ra rằng, hiện nay nguồn nhân lực của chưa được đào tạo để có thể suy nghĩ được các vấn đề mang tính chiến lược, hay có tầm nhìn dài hạn cho khoảng 30-50 sau. Có thể nói trong 10 năm tới, việc đào tạo một thế hệ trẻ có khả năng đáp ứng được yêu cầu cả về mặt công nghệ và tri thức cho các lĩnh vực đa dạng của đời sống hiện đại là vấn đề có tính quyết định đối với tương lai của đất nước Việt Nam.
 
Thứ ba là chiến lược công nghiệp hóa. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa xác định được đâu sẽ là ngành công nghiệp chủ lực trong tương lai. Điều này tạo ra những điều kiện bất lợi mang tính quyết định cho sự phát triển của Việt nam.
 
Nếu đến 2015-2016, Việt Nam vẫn chưa xác định được ngành công nghiệp chủ lực, cũng như làm sao để phát triển nó, thì nguy cơ cao là Việt Nam sẽ không thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020.

Theo Huỳnh Phan
Tuần Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm