1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhận thêm án phạt, JP Morgan Chase sẽ phải trả 13 tỷ USD

(Dân trí) - Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase vừa đạt được với Bộ tư pháp nước này để khép lại toàn bộ các vụ kiện dân sự liên quan đến vụ bán trái phiếu chất lượng kém cho chính phủ. Theo đó nhà băng này sẽ phải trả tổng cộng 13 tỷ USD.

JP Morgan bị phạt số tiền “khổng lồ” vì gian dối
JP Morgan bị phạt số tiền “khổng lồ” vì gian dối

Thông tin được hãng tin tài chính Bloomberg đăng tải. Như vậy con số 13 tỷ USD nêu trên đã tăng thêm 2 tỷ USD so với các cuộc đàm phán trước đó. Số tiền này bao gồm 4 tỷ USD hỗ trợ người tiêu dùng và 9 tỷ USD tiền phạt và các khoản chi trả khác.

Trong số 9 tỷ USD này, Cơ quan tài trợ nhà ở liên bang Mỹ (FHFA) sẽ được nhận 4 tỷ USD để khép lại vụ kiện JP Morgan Chase bán các trái phiếu bảo đảm bằng các khoản cho vay bất động sản, vốn đã khiến hai công ty tài trợ mua nhà của chính phủ là Fannie Mae và Freddie Mac thua lỗ suýt phá sản.

Đây là các loại trái phiệu đặc biệt, có sự kết hợp nhiều công cụ đầu tư, nhưng cốt lõi là các khoản cho vay mua nhà được xem như không có rủi ro. Nhưng JP Morgan bị cáo buộc đã cố ý bán các trái phiếu được đảm bảo bằng những khoản cho vay mua nhà chất lượng kém, rủi ro cao.

Dù đã chấp nhận chi số tiền “khủng” nêu trên để nộp phạt và bồi thường, JP Morgan Chase vẫn sẽ không tránh được khả năng bị khởi tố hình sự, theo yêu cầu của Bộ trưởng tư pháp Eric Holder. Ông Holder đã tuyên bố với CEO Jamie Dimon của JP Morgan rằng việc miễn trừ này sẽ không được bao gồm trong bất kỳ thỏa thuận nào, nguồn tin của Bloomberg khẳng định.

Thỏa thuận có thể sẽ yêu cầu nhà băng này phải hợp tác trong các cuộc điều tra hình sự chống lại các cá nhân có hành vi sai trái, liên quan đến hoạt động cho vay cầm cố của JP Morgan. Thông tin về thỏa thuận có thể được công bố trong tuần tới.

Kể từ năm 2010 đến nay, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét theo tổng tài sản này đã phải chi ra 8 tỷ USD trong số dự phòng 28 tỷ USD để thực hiện các nghĩa vụ pháp lý. Trong đó chỉ riêng quý 3 vừa qua, chi phí pháp lý đã tiêu tốn của họ 7,2 tỷ USD.

Mới đây JP Morgan cũng đã phải chi ra 1 tỷ USD để thực hiện các án phạt của 5 cơ quan quản lý khác nhau sau khi để xảy ra thua lỗ hơn 6,2 tỷ USD trong một giao dịch phái sinh hồi năm ngoái.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg