Nhà thầu Trung Quốc “tháo thân”

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) xây dựng khoảng phân nửa khối lượng, hiện phải dừng thi công. Nguyên do là nhà thầu Trung Quốc rút công nhân về nước, thiếu nỗ lực trong thi công.

Nhà thầu Trung Quốc “tháo thân”
Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn dừng thi công từ năm tháng qua, người dân ở Quế Trung tận dụng đường dẫn vào nhà máy làm sân phơi lúa.

 

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn khởi công xây dựng năm 2008 do Tổng công ty thiết bị nặng CHMC Trung Quốc thi công, lẽ ra phải hoàn thành theo cam kết vào năm 2010. Đây là nhà máy nhiệt điện duy nhất và lớn nhất của Quảng Nam với công suất 30MW. Chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với tổng vốn đầu tư 674 tỉ đồng. Dự án này có nhiều hạng mục nhưng gói thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện là quan trọng nhất với vốn đầu tư 529 tỉ đồng.

 

“Lỡ hẹn” hai năm rưỡi

 

Con đường dẫn vào Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn không còn cảnh náo nhiệt như những năm trước. Người dân ở xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) tận dụng con đường làm nơi phơi lúa.

 

“Người Trung Quốc rút đi gần hết, họ ngăn đường vào nhà máy và để lại mấy người làm bảo vệ. Tụi tui thấy đường vào nhà máy rộng rãi chẳng làm gì nên phơi lúa” - một người dân nói.

 

Cả khu nhà máy đồ sộ nằm im ỉm, không có tiếng máy móc hoạt động và cũng không thấy bóng dáng công nhân làm việc. Người dân ở đây cho biết từ nhiều tháng qua, việc thi công nhà máy này đã dừng hoàn toàn.

 

Theo Công ty cổ phần than, điện Nông Sơn - Vinacomin, khi tổ chức đấu thầu công khai dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện thì Tổng công ty thiết bị nặng CHMC Trung Quốc là đơn vị trúng thầu chủ yếu vì giá rẻ, công nghệ và các yếu tố khác phù hợp. Nhà máy được thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Sau khi bàn giao, điện sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia. Kế hoạch là vậy nhưng nhà máy lỡ hẹn suốt hai năm rưỡi.

 

Ông Võ Đình Đạt, phó giám đốc Công ty cổ phần than, điện Nông Sơn - Vinacomin, cho biết thời điểm đông lao động nhất ở công trường có 300-400 người (chủ yếu là người Trung Quốc). Tuy nhiên đến ngày 26-4, lao động rút về nước hết nên chỉ còn khoảng 10 người gồm bảo vệ và quản lý nhà máy là người Trung Quốc.

 

Ông Đạt cũng cho biết thêm đến thời điểm này, nhà máy đạt tiến độ được 55% tổng khối lượng. Trong đó xây dựng đạt 71%, lắp đặt lò hơi, hệ thống phụ trợ 36%, thiết bị điện 43%... Trong lúc nhà máy thi công kiểu dặt dẹo thì hệ thống đường dây điện 110kV với chiều dài 18,7km của EVN đã hoàn thành và để chờ điện hòa vào lưới điện quốc gia.

 

Mù mờ trách nhiệm

 

Theo ông Đạt, cốt lõi của việc dẫn đến thi công trì trệ là do khủng hoảng tài chính, trượt giá khiến nhà thầu chịu không nổi. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố bất lợi khác như thời tiết, địa hình vùng núi Nông Sơn quá khắc nghiệt.

 

Trả lời câu hỏi vì sao vi phạm hợp đồng mà chưa bị xử lý, ông Đạt giải thích: “Dù nguyên nhân gì thì trước tiên phải thấy rằng nhà thầu có lỗi. Trong cuộc gặp đầu tháng 9 giữa chủ đầu tư và nhà thầu, phía Trung Quốc cam kết sẽ có báo cáo về tiến độ thực hiện dự án, đề xuất thay đổi một số điều của hợp đồng. Đồng thời xin được điều chỉnh giá cho gói thầu theo hướng tăng lên”. Về thời gian ấn định để hoàn thành nhà máy này ông Đạt cũng chưa thể trả lời được.

 

Theo Vinacomin, nguyên nhân chậm trễ của dự án chủ yếu được xác định do các nhà thầu Trung Quốc rất thiếu nỗ lực trong thi công. Sự phối hợp giữa nhà thầu chính là Tổng công ty Thiết bị nặng Trung Quốc với các nhà thầu phụ (cũng của nước này) không tốt. Có tới chín tháng công trình phải ngừng thi công hoàn toàn do mâu thuẫn giữa các nhà thầu con.

 

Ông Nguyễn Kim Dũng - chủ tịch UBND xã Quế Trung - băn khoăn cho biết khi xây dựng dự án, địa phương hi vọng sẽ được hưởng lợi gì đó cho nhân dân như chủ đầu tư nói ở lễ khởi công. Nhưng thực tế đến nay Quế Trung chưa thấy có gì khả quan. Việc thi công nhà máy dang dở khiến tuyến đường từ Nông Sơn đi làng du lịch Đại Bình bị chia cắt, cô lập do hàng rào của nhà máy chiếm mất đường đi. “Người dân rất nghi ngại khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường do nước chảy ra thượng nguồn sông Thu Bồn và khí thải của than” - ông Dũng lo lắng.

 

Theo Đoàn Cường

Tuổi trẻ