1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Soi những chi phí “đội" giá hàng chục triệu đô la Mỹ

(Dân trí) - Tổng mức đầu tư được thẩm định phê duyệt còn thiếu chính xác về khối lượng, đơn giá và không phù hợp với quy định, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ gần 61 triệu đô la Mỹ.


Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại khu đô thị Gamuda City có vốn đầu tư lên tới 250 triệu đô la Mỹ.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại khu đô thị Gamuda City có vốn đầu tư lên tới 250 triệu đô la Mỹ.

Như tin Dân trí đã đưa, Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Nội dung các khoản mục được kiểm toán chi tiết chi phí đầu tư bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn xây dựng, chi phí khác và chi phí quyết toán giai đoạn 2 của dự án, chi phí giải phóng mặt bằng. Tất cả các khoản mục này khi kiểm toán đều có chênh lệch so với số liệu báo cáo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia).

Tổng số chi phí chênh lệch lên tới 147,8 triệu đô la Mỹ và hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng sau khi kiểm toán giảm tới 44,8 triệu đô la Mỹ. Nguyên nhân chi phí xây dựng theo báo cáo của chủ đầu tư cao hơn nhiều so với số liệu sau kiểm toán là do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu.

Ngoài ra, một số hạng mục không đủ điều kiện xác định hơn 6,3 triệu đô la Mỹ do không có khối lượng và đơn giá chi tiết, bản vẽ thiết kế không đủ điều kiện đo bóc khối lượng nên không đảm bảo cơ sở để kiểm toán xác nhận. Chi phí nhân công do đơn vị điều chỉnh đơn giá cũng chưa có cơ sở hơn 1,3 triệu USD, chi phí chung do hồ sơ quyết toán tính trên cơ sở dự toán nhưng chưa có căn cứ gần 9 triệu đô la Mỹ.

"Chi phí thiết bị cũng chênh lệch gần 33,7 triệu đô la Mỹ, trong đó sai khối lượng 3,65 triệu đô la Mỹ và sai tỷ lệ gần 3,8 triệu đô la Mỹ. Các chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn được báo cáo tăng lần lượt hơn 11,1 triệu đô la Mỹ và 9,1 triệu đô la Mỹ", báo cáo kiểm toán nêu.

Riêng khoản thuế VAT, phía chủ đầu tư lại khai thấp hơn so với số liệu kiểm toán hơn 4 triệu US. Chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu báo cáo của chủ đầu tư tăng hơn 20,6 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, nhà đầu tư Gamuda Berhad đã thực hiện các dự án cơ bản theo đúng quy định, lập quyết toán dự án và thuê đơn vị kiểm toán độc lập nhưng việc thực hiện báo cáo tiến độ chưa đảm bảo thời gian, việc lắp đặt thay đổi các thiết bị so với danh mục thiết bị đã được quy định của hợp đồng BT chưa được chấp thuận bằng văn bản. Việc thực hiện lập báo cáo còn chậm so với quy định.

Qua kiểm toán cũng cho thấy, dự án được hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án (thi công 1/1/2009, quyết định phê duyệt 19/3/2010). Việc lập và trình duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư còn chậm so với quy định, thực tế tận tháng 10/2010, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam mới trình duyệt dự án.

Tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án. Cụ thể, tăng thêm 15% khối lượng công tác khá 18,4 triệu USD; lợi nhuận định mức tăng hơn 785 nghìn đô la Mỹ; sai khối lượng, đơn giá 12,7 triệu đô la Mỹ; giá thiết bị tăng 26,4 triệu đô la Mỹ… so với dự toán được duyệt, tổng mức đầu tư tăng 81,6 triệu đô la Mỹ.

Mặc dù thực hiện trước khi phê duyệt hơn 1 năm nhưng thực tế, việc hoàn thành và bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội bị chậm so với thời gian ký kết 17,5 tháng. Nguyên nhân chính là do thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục ngoài nhà máy chậm và do thay đổi, điều chỉnh thiết kế.

Phương Dung