1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà máy giấy “đắp chiếu”: Phải xem xét tài khoản những người có liên quan

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: “Nhà máy giấy 3.000 tỷ đồng bị xóa sổ vì không thể sản xuất được do công nghệ lạc hậu, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị phê duyệt đầu tư”.

Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm tới việc nhà máy 3.000 tỷ không sản xuất được do công nghệ lạc hậu, khi xây dựng được Bộ Tài chính bảo lãnh, ông có bình luận gì về dự án này?


Ông Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh

- Trước tiên, phải khẳng định nhà máy giấy này là một dự án rất lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người ta hi vọng sẽ là một điểm sáng mới, một động lực cho tăng trưởng khu vực này. Do đó, nó cũng là một trong những dự án trọng điểm được đưa vào danh mục đề nghị xem xét bảo lãnh của Chính phủ. Ở đây, việc quy hoạch Nhà máy giấy và thẩm định các điều kiện cần thiết đã có sai sót.

Trước đây, tôi đã từng dạy môn cấp phát cho vay đầu tư cơ bản. Năm 1986 trở về trước Ngân hàng Kiến thiết cấp vốn cho các chủ đầu tư chính xác về giá cả cũng như phù hợp với dự án đầu tư. Vào thời điểm đó, quy định vốn mà đội vốn dưới 5% thì các chủ đầu tư có thể cứ tiến hành, sau đó xin các cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa và Ngân hàng Kiến thiết được quyền cấp vốn đó. Còn trên 5% phải xin người đã ký văn bản phê duyệt đầu tư. Hiện nay, các quy định phê duyệt dự án đầu tư cũng rất chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều các dự án được phê duyệt vẫn không đúng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh cho dự án nhà máy giấy 3.000 tỷ này dẫn tới bị phá sản theo ông có trách nhiệm như thế nào?

- Đối với dự án nhà máy giấy 3.000 tỷ này, xem xét đến quy trình xét duyệt là cả một vấn đề lớn. Dự án được đưa ra thẩm định và đưa vào danh mục đầu tư tương đối lâu nhưng sau đó không thẩm định lại. Thông thường, các quy định của pháp luật yêu cầu là các dự án nếu sau 2 năm chưa triển khai thì phải có thẩm định lại, kể cả các yếu tố môi trường và yếu tố khác khi quyết định triển khai.

Tuy nhiên, dự án nhà máy giấy này lại không làm việc đó nhưng lại được các cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư. Khi đã cho phép đầu tư, cơ quan đứng ra bảo lãnh là Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm xem có quyết định đầu tư hay không? Công trình, dự án này có nằm trong những đối tượng được Nhà nước cho phép bảo lãnh hay không? Dự án này có đầy đủ thiết kế, được các cơ quan có thầm quyền phê duyệt hay không?…

Nói về trách nhiệm của Bộ Tài chính, theo tôi cơ quan này chỉ cần biết kết luận cuối cùng là dự án đã được phê duyệt đầu tư hay chưa. Nếu được phê duyệt đầu tư rồi mà lại được Chính phủ cho phép thì Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Do đó, theo tôi trách nhiệm của Bộ Tài chính là có liên đới nhưng trách nhiệm chính phải thuộc về cơ quan đã phê duyệt cho phép đầu tư dự án này.


Dự án nhà máy giấy ...không làm được giấy

Dự án nhà máy giấy ...không làm được giấy

Như vậy, dự án nhà máy giấy 3.000 tỷ này còn có phần trách nhiệm Bộ Kế hoạch Đầu tư?

- Tôi không rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào nhưng thông thường, với một dự án lớn phải thuộc về Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đầu tiên, ngay khi có ý tưởng của dự án, Bộ KHĐT thường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì và tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về ý tưởng đó. Sau đó, phải trải qua 3 bước rồi mới tới thẩm định cuối cùng về tính khả của dự án để báo cáo lên Thủ tướng hoặc báo cáo Chính phủ quyết định phê duyệt đầu tư.

Cũng giống như Siêu dự án trên sông Hồng vừa qua được dư luận quan tâm đã được giao cho Bộ KHĐT lấy ý kiến các cơ quan có liên quan để triển khai các bước thẩm định theo quy định. Trong trường hợp dự án Nhà máy giấy 3.000 tỷ này nếu được Chính phủ giao cho Bộ KHĐT hay một đơn vị nào khác thẩm định và phê duyệt thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm chính.

Do công nghệ lạc hậu, không làm được giấy khiến nhiều hộ dân điêu đứng, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh lý dự án Nhà máy giấy 3.000 tỷ này. Theo ông, việc thanh lý cần tiến hành thế nào để đảm đúng quy trình?

“Thậm chí, phải xem xét tài khoản của những người có liên quan xem có gia tăng bất thường không, có lợi ích nhóm đằng sau đó không, nếu có thì phải xử lý và thu hồi khoản tiền đó để bù lại cho ngân sách nhà nước bịt thâm hụt từ dự án này”, GS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

- Tôi cho rằng, đối với dự án này, nếu là thiết bị công nghệ đã quá cũ, lạc hậu không phù hợp nữa thì trước hết phải thanh lý. Về nguyên tắc, những gì bán được thì bán, nếu không thì phải bán sắt vụn. Thà bán sắt vụn còn hơn đưa vào sản xuất đề rồi phải xử lý hậu quả môi trường sau này.

Thà chúng ta chấp nhận thất bại do thẩm định không tốt, chấp nhận lỗ, chấp nhận sửa sai còn hơn là “cố đấm ăn xôi” cố sản xuất thì sau này mất 5- 10 lần chi phí mà không khắc phục nổi ô nhiễm môi trường.

Đến nay, dự án Nhà máy giấy phải thanh lý, tiền lãi, tiền vốn của dự án này cũng chưa biết là bao nhiêu, theo ông việc xử lý hậu quả của dự án này như thế nào?

- Tiền trả cho khoản đầu tư này cả vốn và lãi thì chỉ có lấy tiền thuế của dân nhưng vấn đề đã xảy ra rồi thì Chính phủ vẫn phải thực hiện và phải giữ uy tín. Trước mắt là phải thanh lý nhà máy này, kể cả bán sắt vụn cũng phải bán với giá hợp lý, không thể bán đổ, bán tháo để thu hồi lại một khoản vốn cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, phải xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm của những người được giao thẩm định xem xét đầu tư dự án này. Sai tới đâu phải xử lý đến đó chứ không thể để kiểu “vung tay quá trán”, chi tiêu một cách bừa bãi mà không có trách nhiệm với nhà nước, với xã hội như ở dự án này được. Có làm nghiêm minh thì quá trình xem xét các dự án của nhà nước trước khi phê duyệt đầu tư từ nay trở đi mới vào nề nếp và người được giao trọng trách đó mới có trách nhiệm được. Thậm chí, phải xem xét tài khoản của những người có liên quan xem có gia tăng bất thường không, có lợi ích nhóm đằng sau đó không, nếu có thì phải xử lý và thu hồi khoản tiền đó để bù lại cho ngân sách nhà nước bị thâm hụt từ dự án này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thanh Xuân
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm