Nhà giàu chi cả trăm triệu đồng, sắm tủ đông trữ thực phẩm

(Dân trí) - Từ các món nhập ngoại đến các đồ ăn trong nước, không ít nhà giàu mạnh tay chi cả trăm triệu tiền cho thực phẩm trong mùa dịch.

Việc ăn uống, yêu cầu về dinh dưỡng luôn được nhiều gia đình có điều kiện chi mạnh tay. Mùa dịch, nhu cầu này càng tăng lên, không ít gia đình bỏ hàng trăm triệu cho thực phẩm từ ngoại nhập đến đồ trong nước. 

Mới đây, chị Nguyễn Quỳnh Chi, nhà ở Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, TPHCM đặt mua thêm một tủ đông để đựng thực phẩm tươi sống. 

Chị cho biết, chị thường xuyên đặt cá, hải sản từ một mối ở Phan Thiết chuyển lên, còn các loại thịt gà vịt, heo, củ quả từ một người quen ở Đồng Nai nuôi trồng tại nhà; nhiều loại thực phẩm như pate, bơ, tương ớt tương cà, dầu ăn...  các mặt hàng tiêu dùng hàng tiêu dùng như nước rửa tay, dầu rửa chén chị đặt hàng Nhật; rồi các loại trái cây. 

Nhà giàu chi cả trăm triệu đồng, sắm tủ đông trữ thực phẩm - 1
Nhà giàu chi cả trăm triệu đồng, sắm tủ đông trữ thực phẩm - 2

Nhà giàu Sài Gòn chi cả trăm triệu trữ trứng cá hồi, thực phẩm cao cấp trong mùa dịch 

Tuy nhiên, đợt dịch bệnh này vợ chồng chị làm việc online, con cái nghỉ học nên ở nhà nhiều, nhu cầu thực phẩm tăng vọt. Chưa kể, việc vận chuyển hàng hóa cũng khó khăn, mỗi lần đặt là một lần khó nên chị đặt nhiều. 

Trước đây, thực phẩm chị mua theo tuần, trong nhà sử dụng hai tủ lạnh. Giờ chị vừa đặt thêm một tủ đông để bảo quản thực phẩm. 

Cho Quỳnh Chi cho biết, nhu cầu sử dụng tăng và giá cá mặt hàng gì cũng tăng... nên tiền chi cho ăn uống của gia đình chị vốn đã được ưu tiên, giờ tăng lên rất cao. Tuần vừa rồi, chị thanh toán trên 70 triệu đồng tiền thực phẩm, chưa tính 10 triệu tiền sữa cho con.

Nhiều năm qua gia đình chị Lưu Ngọc Lài, sống ở khu biệt thự P.2, Phú Nhuận chuyên sử dụng nhiều loại thực phẩm nhập ngoại từ Nga, Mỹ, Nhật. Trước tình hình dịch bệnh, biết việc vận chuyển về rất khó khăn nên chị đặt hàng trước hàng nhiều hơn. 

Nhà giàu chi cả trăm triệu đồng, sắm tủ đông trữ thực phẩm - 3

Có gia đình sắm thêm tủ đông để trữ thực phẩm 

Riêng hàng Nga mối chị hay mua, vừa rồi chị đặt 30 hũ trứng cá hồi tươi, 10kg lạp sườn, phô mai sợi, 10 kg giò hun khói, thịt bò nướng, 5kg astrakhan, pate, mỡ muối... cho đến các loại hạt óc chó, hạnh nhân, kiều mạch, socola... thanh toán hết gần 60 triệu đồng. Chị vừa nhận hàng xong thì kho báo hàng không về được nữa do chính sách cách ly người từ nước ngoài về. 

Rồi nhiều thực phẩm đông lạnh của Mỹ, Nhật, cùng nhiều loại hải sản, gà vịt trong nước, rau củ quả... tổng trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, cô giúp việc 2 - 3 ngày đi siêu thị một lần mua đồ lặt vặt, niu, mì miến, nấm, trái cây...

Chị Lài lý giải về việc bỏ nhiều tiền mua thực phẩm, thứ nhất là do việc vận chuyển khó khăn, hơn nữa, chị không muốn ra ngoài đi siêu thị nhiều vào thời điểm này. Việc trữ sẵn thực phẩm đáp ứng nhu cầu gia đình và chị không muốn bị ảnh hưởng việc chen chúc hay quá tải ở siêu thị trong trường hợp bất khả kháng. 

Nhà chị có 5 người gồm 3 thế hệ, thêm 2 cô giúp việc, đợt này hai đứa cháu của chị nghỉ học được gửi qua đây ở cho bố mẹ đi làm... nên nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng. Trước đây, bố mẹ đi làm, con đi học gia đình chỉ ăn bữa tối, giờ ở nhà nhiều ăn nhiều, nhiều ngày 3 - 4 bữa, chưa kể giá thực phẩm xách tay tăng cao nên cũng đội  rất nhiều. 

Tuy bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy nhưng chị Lài cho biết, tính ra chi phí chi tiêu trong gia đình chị giảm đi rất nhiều. Vợ chồng không ăn ngoài, không cà phê la cà, con cái ăn ở nhà...  tính ra rẻ và an toàn hơn. Điều này cũng phù hợp với tài chính của gia đình chị thời điểm này khi việc kinh doanh bị ảnh hưởng. 

Nhà giàu chi cả trăm triệu đồng, sắm tủ đông trữ thực phẩm - 4

Việc ăn uống được rất nhiều gia đình quan tâm, chăm chút trong mùa dịch 

Anh Nguyễn Đức Hưng, nhà ở Q.3, TPHCM, quản lý tại một công ty kiểm toán cho biết, vợ anh vừa bắn tin thông báo anh thanh toán hơn 45 triệu đồng tiền đồ ăn, thực phẩm. Cách đây vài hôm, anh cũng trả khoản tiền tương đương cho tiền thực phẩm vợ anh đặt qua nhiều mối. Ngoài ra, còn tiền mua trực tiếp ở siêu thị, khi cần vẫn phải ra chợ. 

Lúc này dịch bệnh, gia đình anh đã ngưng hết việc mua sắm, đi lại, giải trí,... không cần thiết, nhu cầu của tất cả các thành viên giờ đây gói gọn lại chỉ là việc ăn uống. Nên trả một lần cũng thấy "choáng" nhưng tổng chi tiêu trong gia đình anh Hưng giảm đi rất nhiều, chưa kể hạn chế được việc đi lại tối đa thực hiện tinh thần "ngồi yên một chỗ".

Hoài Nam