Nhà đất “chết lặng” cuối năm

Mặc dù đã cuối năm nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Với phân khúc nhà đất biệt thự, liền kề tại các khu đô thị mới, câu chuyện không dừng lại ở việc giảm giá mà ở tính thanh khoản rất kém.

Đất nền đua giảm giá

 

Trong nhiều tháng qua, thị trường đất nền biệt thự liền kề tại các dự án gần như đóng băng. Khảo sát cho thấy, giá nhà đất giảm mạnh, nhất là các dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng, chưa triển khai xây dựng phần thô. Tại dự án Thanh Hà, Kim Chung Di Trạch, đất liền kề được rao bán chỉ từ khoảng 20 triệu đồng/m2, trong khi hồi đầu năm chào bán giá thấp cũng đã 28-30 triệu đồng/m2.

 

Giá chào bán đất nền tại dự án Kim Chung Di Trạch đã giảm khoảng 20 đến 25 triệu đồng/m2 tùy loại, giảm 40% so với thời điểm sốt nóng. Cuối năm 2010, giá đất dự án này đã tăng lên gấp đôi so với năm 2009, và được giao dịch ở mức khoảng 37 triệu đồng/m2 với loại lô liền kề đường 10,5m và sau đó, được đẩy lên đến 50-55 triệu đồng/m2. Chỉ 1 năm sau, giá đất tại đây rớt thảm hại và được xem là có mức giảm mạnh nhất tại Hà Nội thời gian qua. Tại Mê Linh, nhiều dự án chào bán đất nền chỉ dưới 10 triệu đồng/m2.

 

Ngay cả các dự án đã hoàn thiện xây thô bàn giao nhà, tình trạng giảm giá, bán cắt lỗ vẫn diễn ra ồ ạt. Một số dự án được xem như "hàng hot" trên thị trường như Văn Phú, An Hưng, Dương Nội, Văn Khê, Geleximco,Vân Canh HUD... giá mỗi căn liền kề dao động trung bình khoảng từ 40-60 triệu đồng/m2, thậm chí là 90 triệu đồng/m2 vào hồi cuối năm 2011 đầu năm 2012, nhưng hiện nay mặt bằng giá chỉ dao động còn khoảng 25-35 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí, hoặc cao cũng vào khoảng 50-60 triệu đồng/m2.

 

Tình hình đất thổ cư cũng không mấy sáng sủa. Chịu ảnh hưởng chung xu thế giảm giá của thị trường bất động sản, giá đất thổ cư cũng giảm nhẹ từ 3-5 triệu đồng/m2. Hiện tượng chào bán tăng mạnh do thời điểm cuối năm, áp lực đáo nợ tín dụng tăng cao khiến tình trạng vỡ nợ lan rộng. Trước đây, đất thổ cư được xem là phân khúc ổn định nhất và luôn giữ giá. Nay nhiều người muốn bán đất cũng phải rao nhiều lần, chấp nhận mất tiền trăm cho bên môi giới.

 

Giá chào bán đất nền tại dự án Kim Chung Di Trạch đã giảm khoảng 20 đến 25 triệu đồng/m2 tùy loại.
Giá chào bán đất nền tại dự án Kim Chung Di Trạch đã giảm khoảng 20 đến 25 triệu đồng/m2 tùy loại.

 

Khu vực An Khánh, An Thượng, Hoài Đức có giá giảm mạnh nhất, mỗi lô ở đây chỉ khoảng 12-15 triệu đồng/m2. Chủ nhà chia ra làm nhiều mảnh nhỏ, khoảng 30m2/lô nên  mức giá rất hấp dẫn. Tương tự, khu vực Hà Đông, tại Yên Nghĩa, nhiều lô mặt đường 3,5m, ôtô đỗ cửa giá chỉ 14-15 triệu đồng/m2. Khu trung tâm như Dương Nội, Vạn Phúc, La Khê giá đất thổ cư dao động khoảng 25-30 triệu đồng/m2,...

 

Khu Tây Mỗ, Hoài Đức giá khoảng từ 25-35 triệu đồng/m2, trong khi trước đó khoảng 35-40 triệu đồng; khu Cổ Nhuế khoảng 35-40 triệu đồng/m2 còn trước đó là 42-45 triệu đồng... Khu Mỹ Đình, giá đất thổ cư trong ngõ hiện dao động khoảng 45-52 triệu đồng/m2, khu Xuân Đỉnh khoảng 43-47 triệu đồng/m2,...

 

Trong nội đô, tình trạng vỡ nợ, bán tháo nhà cửa khiến nhiều căn nhà tiền tỷ giảm giá mạnh. Một ngôi nhà 7 tầng tại Mỹ Đình được xây dựng cách đây hơn 1 năm đang rao bán với giá khoảng 20 tỷ, thời điểm vừa mới xây xong giá tới 32 tỷ đồng. Hiện tại, chủ nhà đang chào bán với mức giá còn hấp dẫn hơn, sẵn sàng thuê lại sau khi bán.

 

Một nhà khác 3 tầng ở Khương Đình, chủ nhà cũng rao bán gấp trong tuần giá chỉ 2,1 tỷ đồng, có thương lượng và chịu mọi khoản phí. Tương tự, nhà 5 tầng ôtô đỗ cửa ở phố Nguyễn Ngọc Nại đang rao bán gấp giá 5,2 tỷ đồng.

 

Chưa có tín hiệu tốt về thanh khoản

 

Ông Phạm Đức Toàn, đại diện EZ Property Vietnam, nhận xét, giao dịch bất động sản vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu tốt về thanh khoản do xuất hiện lượng lớn hàng phát mại của các ngân hàng tung ra thị trường. Các tài sản này khi giao dịch thường được ký thỏa thuận 3 bên giữa khách mua, chủ sở hữu và ngân hàng. Tỷ lệ thành công của mảng sản phẩm này khá cao do giá cả hợp lý, an toàn do pháp lý của sản phẩm đã được ngân hàng thẩm định.

 

Nhu cầu nhà đất về cuối năm thường cao hơn các quý trong năm, lượng khách hàng liên hệ tới sàn giao dịch cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc giao dịch thành công một hợp đồng mất nhiều thời gian và công sức của nhân viên sàn do khách hàng có nhiều lựa chọn và mặc cả về giá bán.

 

Lý giải về việc đất nền giảm mạnh, ông Toàn cho rằng, phân khúc này trầm lắng - nhất là đất tại các dự án mới - do nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chính là giá đất được thổi lên quá cao trong thời gian trước, vượt xa giá trị thực. Đến khi thị trường bất động sản suy thoái, tâm lý của những người bán chưa sẵn sàng hạ giá, người mua kỳ vọng giá xuống thấp hơn nữa nên cung cầu chưa gặp nhau.

 

Trong khi đó, bất động sản loại này thường có giá trị cao. Một lô đất nếu đã có nhà xây thô thường có giá tri lên tới vài tỷ đồng, không phải khách hàng nào cũng có khả năng chi trả. Bên cạnh đó, nguồn cung lại bùng nổ trong giai đoạn 2008 - 2010 với hàng trăm dự án được tung ra thị trường, vấn đề hạ tầng đồng bộ các khu đô thi mới chưa hoàn thiện, chưa được đấu nối kỹ thuật với hạ tầng hiện hữu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm lắng của phân khúc đất nền.

 

Một đại diện sàn giao dịch Nhadat24h.net cho rằng, các tin rao bán BĐS với giá ngày càng giảm thời gian qua cho thấy tâm lý nhiều khách hàng có phần hoảng loạn. Ngoài ra, để tăng tính thanh khoản, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng giảm mạnh giá bán trực tiếp cho khách hàng, khiến giá thương lượng trên thực tế tiếp tục thấp hơn khoảng 30% so với mức giá đã rao bán trước đó.

 

Theo Savills Việt Nam, giá biệt thự liền kề giảm mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây. Mặc dù giá chào bán vẫn tiếp tục giảm nhưng thanh khoản thị trường rất thấp.

 

Nhận định về thị trường thời gian tới, nhiều sàn bất động sản cũng như các chuyên gia đều tỏ ra bi quan. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Công ty GP - Invest nhận định, phải đến giữa năm 2013, hệ thống ngân hàng mới được tái cấu trúc xong nên thời điểm đó mới tạo hy vọng cho thị trường bất động sản. Ít nhất đến cuối năm 2013, may ra thị trường mới có thể phục hồi.

 

Theo Duy Anh

VEF