TPHCM:

Nguy cơ mất trắng khi "dính bẫy" nhà đất giá "siêu rẻ"

(Dân trí) - Giá cả “siêu rẻ”, thủ tục đơn giản, cộng với hàng loạt cam kết chắc như đinh đóng cột, không ít người đã sập bẫy của chủ đất khi mua đất nền nhà ở. Để rồi sau đó, họ long đong kiện tụng và có thể đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.

Nhiều biển rao bán đất nền treo trên cột điện tại khu vực vùng ven

Trong khi các dự án bất động sản “khủng” gặp nhiều khó khăn thì tại các khu vực vùng ven TP.HCM đang nở rộ các dịch vụ mô giới bán đất nền “siêu rẻ”. Trên nhiều tuyến đường treo kín biển quảng cáo, rao bán đất chỉ với giá từ 100 – 300 triệu đồng/nền.

Liên lạc với số điện thoại trên biển rao bán đất tại đường Tô Ngọc Vân (quận 12), chúng tôi được một người đàn ông Tuấn cho biết, giá của một nền rộng 35m2 (đất nền – PV) là 270 triệu đồng, thủ tục mua bán là công chứng vi bằng và “khuyến mãi” các thủ tục xây dựng có thể xây nhà cấp 4 hoặc làm đúc giả xây lên 2 tầng. Qua tìm hiểu, khu đất mà ông Tuấn quảng cáo là nằm tại khu vực phường Thạnh Xuân, nguồn gốc là đất nông nghiệp.

Ông H. (ngụ quận Tân Bình) cho biết, giữa năm 2013, thông qua một người quen ông mua một mảnh đất rộng 45m2 tại huyện Bình Chánh với giá 290 triệu đồng, thời điểm mua bán hai bên chỉ làm giấy tờ viết tay. “Chủ đất cam kết sẽ lo mọi thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng khi nhận đủ tiền họ không chịu làm như cam kết. Tôi có đến cơ quan chức năng hỏi thì mới biết khu đất đó không thể xây dựng” – Ông H. kể.

Thực tế, việc mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay đang diễn ra khá phổ biến tại TP.HCM, nhất là tại khu vực vùng ven thành phố, những khu đất trước đây là ruộng lúa, ao hồ. Quy trình mua - bán dạng này rất đơn giản. Bên chủ đất hoặc mô giới chỉ cần đưa người mua xem địa thế để lựa chọn, thỏa thuận giá cả và làm xác nhận chủ bằng khoán, dù nhiều mảnh đất này đã được “sang tay” cho những người mua đi bán lại.

Tình trạng mua đất giấy tay hoặc nhà không phép diễn ra khá chủ yếu tại nhiều khu vực ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12…Giao dịch bằng giấy tay có thể khiến người mua bị chủ đất lật lọng, lô đất đó có thể đã bán cho nhiều người khác. Chủ đất chỉ có bằng khoán, khi người mua cần sang nhượng sẽ bị họ làm khó dễ, đòi thêm tiền mới chịu ký giấy để sang nhượng. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp người mua nhà hoặc đất kiểu này đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

“Lỡ nhà nước quy hoạch cũng không lo, tiền bỏ ra xây nhà chỉ trên dưới 100 triệu đồng mà được ở vài năm coi như bằng với tiền đi thuê nhà. Còn phần đất, khi bị giải tỏa vẫn được bồi thường rất cao. Mà khu vực này có quy hoạch cũng còn lâu lắm, nhà cửa họ xây lên đầy rẫy đó, lo gì” – M. “đen”, một chủ đất tại khu vực đường quách Điêu (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) phân tích.

M. “đen” cho biết thêm, đất ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, mua bán bằng giấy viết tay là được. Quan trọng là làm ăn uy tín và người bán người mua tin nhau là chính!. Đa số khi người mua đất tại các khu vực này cùng lắm thì được chủ đất “cấp” cho bằng khoán đất được photo, có chứng thực sao y của chính quyền xã.

Mua bán nàh đất bằng giấy tờ tay khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ mất trắng
Mua bán nàh đất bằng giấy tờ tay khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ mất trắng

Nhiều trường hợp đã “ăn” phải “quả đắng” khi mua nhà, đất chỉ bằng giấy viết tay. Chị Đ.T.H.X. (ngụ quận Tân Bình) đã mua một mảnh đất với diện tích khoảng 60m2 tại phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) với giá khá “bèo”. Tuy nhiên, mọi thủ tục mua bán chỉ bằng giấy viết tay và vài ba người làm chứng. Đến khi tính chuyện xây nhà, chị X. mới “té ngửa” khi biết mảnh đất đó nằm trong diện quy hoạch không thể xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Những trường hợp người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được phép mua bán, chuyển nhượng.

Trường hợp thỏa mãn điều kiện quy định, bên mua và bán đất cần phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Việc mua đất qua giấy tay, không lập thành hợp đồng, không có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của chính quyền địa phương, nơi có đất, giao dịch đó bị coi là vô hiệu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng ở một số khu vực vùng ven có tình trạng phân lô bán nền trái phép. Bên bán có rất nhiều kỹ xảo để người mua tin tưởng nhưng người mua nên tỉnh táo, cần kiểm tra thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước xem đó có phải là đất ở không, có vướng quy hoạch không, đã nộp tiền sử dụng đất chưa... để tránh mất tiền, tay trắng.

Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”