Ngưỡng cửa suy thoái thách thức bản lĩnh Putin

Lần đầu tiên trong hơn nửa thập kỷ qua, Nga đứng trước ngưỡng cửa suy thoái. Đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất, thách thức bản lĩnh của Tổng thống Vladimir Putin - người có quyền lực nhất thế giới năm 2014.

Sau 6 năm có thể lại rơi vào suy thoái

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* BSC: Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tương tự sự kiện Biển Đông

* Tăng trần thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu

* Có tý danh tiếng, bán ngay lấy tiền

* 11 tháng, huy động vốn VND tăng gần 15%

* Con trai ông Truyền giải trình về căn biệt thự “khủng”

* 9,2 triệu USD hỗ trợ để giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam

Trên tờ The Guardian, Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Vedev vừa nhận định rằng quý I/2015 Nga sẽ rơi vào cuộc suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Ông Vedev dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể giảm 0,8% trong năm 2015, cách biệt rất nhiều so với dự báo tăng trưởng dương 1,2%. Dòng vốn bị rút ra khỏi Nga sẽ tăng vọt lên mức 125 tỷ USD trong năm 2014, cao hơn nhiều so với mức dự báo 100 tỷ USD trước đó. Lạm phát được dự báo ở mức cao là 9% trong năm 2014 và giảm xuống còn 7,5% vào cuối sang năm. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức 6,4% trong năm 2015.

Dự báo khá u ám trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang lún sâu vào khủng hoảng. Chính phủ thừa nhận Nga đang tiến tới suy thoái và Ngân hàng Trung ương (NHTW) nước này cho rằng hệ thống tài chính Nga đang gặp vấn đề vì giá dầu giảm. Đồng ruble của Nga lao dốc, trở thành một trong những đồng tiền mất giá nhiều nhất trên thế giới.

Tỷ lệ người dân sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin hiện vẫn ở mức rất cao, trên 80%.

Tỷ lệ người dân sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin hiện vẫn ở mức rất cao, trên 80%.

Trước đó, hồi giữa tháng 11/2014, NHTW Nga đã hạ dự báo tăng trưởng 3 năm tới, bởi nền kinh tế quốc gia đang đối mặt với viễn cảnh trì trệ kéo dài bắt nguồn từ những chi phí lớn sau khủng hoảng Ukraine, những lệnh trừng phạt qua lại đối với phương Tây và giá dầu mỏ suy giảm nghiêm trọng.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó tiết lộ, nền kinh tế Nga có thể thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và khoảng 90-100 USD vì giá dầu giảm. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng, nhiều ngân hàng lớn ở Nga đã phải nhờ chính phủ bơm vốn.

Không chỉ vậy, nền kinh tế Nga còn đứng trước nguy cơ hao hụt về ngân sách do các nước phương Tây đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ.

Sự kiện Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt trị giá 45 tỷ USD với châu Âu đầu tuần này cho thấy thực tế là thị trường xuất khẩu khí lớn nhất của Nga - EU - có thể bị thu hẹp trong thời gian tới.
 
Người Nga chờ đợi bản lĩnh Putin?

Như một lời đáp trả với những trì hoãn của Ủy ban châu Âu (EC) về dự án “Dòng chảy phương Nam”, Tổng thống Putin trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/12 tuyên bố không thể tiếp tục dự án để vận chuyển khí đốt tới châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, thay vì chọn khu vực Nam Âu, Nga đã nhắm đến Thổ Nhĩ Kỳ - trong việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt thay thế, kèm theo lời hứa sẽ bán khí đốt giá rẻ cho Ankara.

Thông tin ban đầu cho thấy, Nga sẽ giảm giá khí đốt 6%, thậm chí giảm tới 15% cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tới và cung cấp thêm cho nước này 3 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay. Đây được coi là một trong những phương án thay thế cho dự án “Dòng chảy phương Nam” mang khí đốt tới châu Âu - khu vực vốn đang tiêu thụ khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% lượng dầu mỏ từ Nga.

Như vậy, dự án đường ống dẫn khí đốt có chiều dài gần 900 km do Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Tập đoàn năng lượng ENI (Italia) khởi xướng năm 2012 với với công suất 63 tỷ m3 khí đốt/năm nhiều khả năng sẽ vĩnh viễn không trở thành hiện thực.

Tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” gần đây giữa Nga và EU đã khiến chính Nga và EU phải tính toán lại câu chuyện hợp tác, chứ không phải lý do nhiều nước châu Âu phản đối mạnh mẽ dự án và muốn giảm sự phụ thuộc về năng lượng vào Nga.
 
Kế hoạch hợp tác dầu khí với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD và những thỏa thuận ban đầu với Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 12 này cho thấy, Tổng thống Putin đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phá vây kinh tế của các nước phương Tây.

Bên cạnh dự án dẫn khí đốt khủng, nhiều khả năng Nga sẽ xây dựng nhà máy hạt nhân thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang xin gia nhập EU.

Những bước đi gần đây của Nga cho thấy, nhiều khả năng ông Putin sẽ không lùi bước trước sức ép trừng phạt của phương Tây. Cho dù đồng ruble đang suy giảm nghiêm trọng và người dân Nga lo sợ đổ xô chuyển sang ngoại tệ, nhưng dường như trở ngại kinh tế không gây nhiều khó khăn về chính trị cho Tổng thống Putin.

Theo kết quả điều tra của cơ quan thăm dò độc lập Levada, tỷ lệ người dân sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin hiện vẫn ở mức rất cao, trên 80%. Giới tài phiệt nước Nga với nhiều tập đoàn lớn, về mặt thực tế, vẫn đang đứng về phía điện Kremlin. Điều đó cho thấy một thực tế: những khó khăn kinh tế gần đây có lẽ chưa thể khiến ông Putin phải thay đổi chính sách kinh tế cũng như đối ngoại nói chung.

Gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã xem xét một số kịch bản bi quan hơn đối với nền kinh tế khi giá dầu hạ thêm nữa. Trong tình huống “kịch bản xấu nhất”, nếu giá dầu giảm xuống 60 USD/thùng vào năm 2015, kinh tế Nga sẽ giảm 3,5-4% vào năm đó. Nhưng, đó vẫn chưa phải là thảm họa.

Hiện tại, nền kinh tế của ông Putin gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhìn chung sức khỏe của nền kinh tế của nước khác xa so với những năm cuối thế kỷ trước. Dự trữ ngoại hối của Nga vẫn trên 400 tỷ USD. Cùng với sức mạnh về quân sự, về hạt nhân, ông Putin vẫn có cơ sở để tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình, của một nước Nga hùng mạnh.

Theo Văn Minh
Vietnamnet

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”