1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người Việt Nam tiêu thụ ít cà phê

(Dân trí) - Mặc dù Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (sau Brazil) và những quán cà phê cũng mọc lên như nấm trên các nẻo đường Hà Nội và TPHCM, nhưng lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Người Việt Nam tiêu thụ ít cà phê - 1
Lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.
 
Hiện nay, các công ty sản xuất cà phê trong và ngoài nước đang hy vọng đẩy mạnh lượng tiêu thụ cà phê trong nước và tìm kiếm mô hình bền vững hơn cho ngành công nghiệp cà phê vốn bị phụ thuộc vào giá cà phê thế giới.

 

Theo một khảo sát của Bloomberg, nhờ thời tiết thuận lợi, vụ cà phê sắp tới của Việt Nam dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 1,3 triệu tấn, có giá trị khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, phần lớn, khoảng 93%, là cà phê robusta (cà phê vối) ít giá trị và được xuất khẩu dùng trong các loạt cà phê hòa tan.

 

Tuy nhiên, đa số các vùng ở Việt Nam, trừ các thành phố lớn đang phát triển, trà xanh vẫn là lựa chọn hàng đầu, thậm chí những người trồng cà phê cũng hiếm khi thưởng thức thứ nước uống màu đen này.

 

“Tính theo số dân, mức tiêu thụ cà phê của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với người Thái Lan và các nước láng giềng”, ông Rashid Qureshi, Giám đốc điều hành Nestlé Việt Nam cho biết.

 

Nestlé, hãng thực phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ, là một trong những công ty đang cố gắng thay đổi thói quen tiêu dùng và khai thác thị trường Việt Nam với gần 90 triệu dân này.

 

“Chúng ta có thể thúc đẩy tiêu thụ cà phê tại Việt Nam bằng cách làm nổi bật lợi ích của cà phê và tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của người Việt Nam hơn”, ông Rashid Qureshi nhận định.

 

Trước đây, hầu hết những người Việt Nam yêu thích cà phê đều thấy thực sự hạnh phúc khi ngồi chờ đợi từng giọt cà phê nhỏ qua phin cà phê truyền thống kiểu Pháp, sau đó thêm sữa đặc và đá rồi mới thưởng thức. Còn trong cuộc sống hối hả bận rộn ngày nay, cà phê hòa tan lại được ưa chuộng hơn.

 

Năm 2008, Nestlé cho ra mắt loại cà phê đen hòa tan theo kiểu Việt Nam. Năm ngoái, hãng này cũng tiếp tục cho ra mắt loại cà phê sữa. Ông Qureshi cho biết 2 nhãn cà phê này đã chiếm 15% thị trường cà phê Việt Nam, và ông cũng tin rằng Nestlé sẽ còn tiếp tục mở rộng thị phần của mình tại Việt Nam.

 

Tháng trước, Nestlé cũng tuyên bố sẽ đầu tư 270 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hòa tan mới tại Việt Nam, cung cấp chủ yếu cho thị trường nội địa và cho xuất khẩu.

 

Đây là một phần của chương trình “Tạo giá trị chung” (Creating Shared Value) của Nestlé, trong đó công ty này cũng sẽ trực tiếp làm việc với người nông dân để cải thiện chất lượng nông sản đồng thời giảm thiểu việc sử dụng nước và phân bón trong sản xuất.

 

Ông Qureshi cho biết hiện Nestlé đang thu mua 1/4 diện tích trồng cà phê của Việt Nam, do đó, công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ngành công nghiệp cà phê theo mô hình bền vững hơn.

 

Khi Nestlé tích cực đẩy mạnh thị phần tại Việt Nam thì các đối thủ như Trung Nguyên, Thái Hòa hay Masan Group, tập đoàn lớn được hỗ trợ bởi các công ty tư nhân quốc tế như Kohlberg Kravis Roberts và TPG - cũng đang tích cực tham gia vào cuộc chơi này.

 

Trong đó, Masan đang có ý định mua lại số cổ phần lớn tại công ty Vinacafe Biên Hòa. Một khi thương vụ mua lại của Masan thành công, cuộc chiến cạnh tranh trong ngành cà phê tại Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Ngọc Trang

Theo Financial Times