Thanh Hóa:
Người nuôi trồng thủy sản gặp khó vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít hộ nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
"Không có người mua"
Nhiều tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hóa (59 tuổi, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên". Hơn 1 ha nuôi hàu và tôm của gia đình đến kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán ra thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Hóa, tình trạng này kéo dài từ đầu năm đến nay và dần trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 6 vừa qua. "Như năm ngoái còn có thể xuất được hàng đi, sang đến năm nay thì gần như dậm chân tại chỗ. Do nhà hàng quán ăn đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh nên không có thương lái về thu mua hàng", ông Hóa nói.
Vừa qua gia đình ông Hóa nuôi 1.000 xâu hàu giống và 2 ao tôm. Số tôm và hàu này đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có khách đến mua. Thậm chí, có thời điểm giá bán xuống bằng 1/4 so với mọi năm nhưng vẫn không có khách.
"Giá hàu từ 200.000 đồng/xâu, nay còn 40.000 đồng/xâu mà vẫn không có người tới mua. Khác với tôm, ngao thì hàu nuôi giống đến kỳ phải xuất bán chứ không thể để nuôi như hàu thịt được. Như lứa hàu vừa qua thì tôi coi như mất trắng, tính cả hàu và tôm cũng đến cả trăm triệu đồng", ông Hóa than thở.
Cũng theo ông Hóa, năm nay việc nuôi trồng thủy sản cho năng suất cao nhưng việc không có đầu ra, giá rẻ hơn nhiều so với mọi năm khiến người nuôi thủy sản thua lỗ nặng.
Cùng chung cảnh ngộ như ông Hóa, gia đình anh Trần Văn Khánh (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) là một trong số những hộ có diện tích nuôi tôm và ngao lớn nhất nhì tại địa phương. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại gia đình anh vẫn đang "dở khóc dở cười" trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Tôm mất giá, lại không có người mua, có bám trụ thì càng thua lỗ, không đủ tiền để trả lương lao động và các chi phí phát sinh khác. Vừa qua gia đình tôi chỉ để lại một nửa diện tích ao, đầm để nuôi", anh Khánh cho hay.
Theo ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tình trạng nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn diễn ra đã nhiều tháng qua, tuy nhiên do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên người dân chưa thể tìm được lối thoát.
"Toàn xã có khoảng 10 ha nuôi tôm, năm nay hầu hết các hộ nuôi đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình trên, trước mắt chính quyền địa phương động viên bà con cố gắng tìm hướng khắc phục, tạo điều kiện hết mức để bà con vượt qua khó khăn trong thời điểm này", ông Cảnh cho hay.
Bỏ đầm, giảm diện tích nuôi trồng
Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, nợ lãi ngân hàng thì ngày một lớn khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương đành chấp nhận bỏ hoang ao, đầm, số lao động cũng cắt giảm đáng kể. Số hộ nuôi nhiều thì tìm giải pháp khắc phục bằng cách giảm bớt diện tích nuôi trồng.
Như gia đình ông Vũ Văn Hùng (thôn Y Bích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc), 5 tháng qua gia đình ông phải bỏ hoang 0,5 ha đầm tôm để đi đánh cá ngoài cửa sông mưu sinh.
"Tôi làm nghề nuôi tôm quảng canh gần 30 năm nay nhưng chưa năm nào thất bại thê thảm đến vậy. Được mùa tôm nhưng giá thành giảm sâu, có những lúc không có người mua, vừa qua gia đình thua lỗ nên đành bỏ hoang đầm", ông Hùng tâm sự.
Còn gia đình anh Đỗ Văn Thủy (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) cũng trong tình trạng tương tự. Gần 5 năm nuôi tôm thâm canh, chưa bao giờ anh Thủy rơi vào cảnh lao đao như hiện giờ.
"Kể cả những năm tôm bị dịch bệnh cũng không thua lỗ như bây giờ. Nói chung dịch bệnh ảnh hưởng đủ đường, từ giá thành thấp đến đầu ra, tất cả đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Không chỉ vậy, những tháng dịch bệnh như vừa qua giá bột nuôi tôm và giá tôm giống lại cao hơn nhiều so với mọi năm. Tôm không được giá, nhiều khi không bán được, vừa rồi nhà tôi lỗ gần nửa tỷ đồng. Vì vậy tôi phải giảm diện tích nuôi từ 5 ha tôm xuống còn 3 ha, số công nhân cũng rút từ 10 người còn 6 người", anh Thủy tâm sự.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt. Riêng đối với người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thì năm nay gặp không ít khó khăn.
"Toàn xã có 30 ha thâm canh và 40 ha nuôi thủy sản quảng canh. Tình trạng như thời gian vừa qua các hộ nuôi tôm trên địa bàn đang phải cầm cự. Tôm không có đầu ra nhưng người nuôi không thể bỏ đầm vì nếu bỏ đầm máy móc sẽ hư. Vì vậy đây cũng là cái khó đối với người nuôi. Hiện tại, hầu hết các hộ nuôi đang giảm bớt số lượng nuôi trồng xuống để tránh thiệt hại, thua lỗ", ông Huân thông tin thêm.
Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có gần 20.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích thủy sản nước ngọt hơn 10.000 ha, thủy sản nước lợ, mặn có gần 8.000 ha.