Người hy sinh khi chống dịch, kẻ bị bắt vì lạm dụng chức quyền
Việc một số cá nhân "biến chất" trong lực lượng quản lý thị trường bị khởi tố, bắt giam đã dấy lên nhiều vấn đề trong xử lý các vụ việc bắt giữ hàng gian, hàng giả.
Ít ngày trước, một công chức Cục Quản lý thị trường TPHCM đã hy sinh vì phơi nhiễm Covid-19 khi thực hiện công vụ tăng cường trực chốt phòng chống dịch. Qua các đợt dịch bệnh, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã có 1.772 lượt công chức tham gia trực chốt.
Đó là tấm gương về mất mát, hy sinh của công chức quản lý thị trường khi thi hành công vụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp hàng hóa lưu thông thông suốt.
Trong dịch bệnh, quản lý thị trường còn góp phần giúp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thậm chí một số điểm còn trực tiếp bán nông sản cho bà con.
Trong công tác chống hàng gian, hàng giả, 2 năm gần đây, lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc có quy mô "khổng lồ", trải dài từ Bắc chí Nam, đưa nhiều đối tượng ra ánh sáng.
Có thể nói, giai đoạn này chứng kiến nhiều vụ việc phát hiện hàng gian, hàng giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều đó thể hiện những thay đổi rõ rệt khi mô hình Cục Quản lý thị trường được "nâng cấp" lên thành Tổng cục Quản lý thị trường.
Thế nhưng, trái ngược với những hành động năng nổ đó, các cuộc đàm phán "dưới gầm bàn" của một bộ phận công chức, lãnh đạo quản lý thị trường đã khiến hình ảnh lực lượng này bị ảnh hưởng.
Tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ Nguyễn Quốc Trụ; khai trừ ra khỏi Đảng đối với Phó Cục trưởng Vi Ngọc Khang và cảnh cáo 2 lãnh đạo khác của Cục này.
Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Vi Ngọc Khang, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ và các ông Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công, Hà Minh Tuyền, kiểm sát viên thị trường thuộc Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Nguyên nhân là khi phát hiện 3 tàu bán xăng dầu trái phép, vì vụ lợi và nể nang nên Vi Ngọc Khang đã chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm tra không tạm giữ, tịch thu sung quỹ Nhà nước tang vật vi phạm là 3 chiếc tàu bán xăng dầu và số dầu trong khoang chứa. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ xác định 5 bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 700 triệu đồng.
Gần đây nhất, Cơ quan công an cũng đang điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Vụ án sách giả được cho là lớn nhất từ trước đến nay.
Ít ngày trước, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Hùng, kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cùng đồng phạm.
Bị can Trần Hùng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự; Nguyễn Duy Hải tội môi giới hối lộ.
Tháng trước, ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Việt Phương, nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội.
Rõ ràng, bên cạnh việc tham gia phát hiện, bắt giữ các vụ việc hàng gian, hàng giả, lực lượng quản lý thị trường cần giám sát chặt hơn công tác xử lý "hậu bắt giữ". Bởi những cuộc "mặc cả", "đàm phán" và những "tác động" có thể khiến tình trạng "bỏ lọt" tội phạm diễn ra. Điều này chắc hẳn không phải là lạ lẫm trong lực lượng quản lý thị trường, nên khâu giám sát xử lý sau khi phát hiện vi phạm cần được thực hiện rốt ráo và đúng quy định pháp luật.
Quản lý thị trường cần tránh tình trạng "phát hiện vi phạm thì rầm rộ nhưng xử lý vi phạm thì kín đáo". Có như vậy, tình trạng cán bộ quản lý thị trường "nhúng chàm" mới phần nào giảm bớt.
Làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường ngày 20/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói "Tiêu cực trong thi hành công vụ còn xảy ra với mức độ vi phạm tăng dần, từ vi phạm cấp độ hành chính cho đến hình sự…".
Bộ trưởng yêu cầu, những sai phạm xảy ra vừa qua phải được nhìn nhận đúng, mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc khi sự việc lại xảy ra với ngành mình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận, không nhận ra cái sai, không kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thì hậu quả nặng nề hơn, khắc phục khó khăn hơn.