Người giữ cây sưa tổ giá bạc tỷ ở "thủ phủ" sưa đỏ miền Bắc
Cách đây 8 năm, đã có người trả 12 tỷ đồng để mua cây sưa đỏ nhưng người đàn ông này không bán mà quyết giữ lại làm cây “sưa tổ”.
Khoảng hơn 10 năm trước, khi thương lái lùng sục từng ngóc ngách ở thôn Làng Chanh (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) để tìm mua gỗ sưa với giá hàng chục triệu đồng/kg. Lúc này, ông Lăng Văn Bắc (SN 1963) bỗng trở thành tâm điểm ở làng. Bởi, trong vườn nhà ông có khoảng 15 cây sưa đỏ đã hơn 10 năm tuổi.
Để trang trải cho cuộc sống, ông Bắc đã bán đi khoảng 14 cây. Chỉ còn một cây duy nhất được ông giữ lại và dù đã nhiều lần thương lái đến trả giá rất cao nhưng ông nhất quyết không bán.
Vị “đại gia” chân chất
Chúng tôi tìm đến thôn Làng Chanh vào những ngày mưa lạnh cuối tháng 10. Từ một vùng thuần nông ở xã miền núi, cuộc sống của người dân nơi đây giờ đã đổi thay nhiều do lợi ích kinh tế từ cây sưa mang lại. Đường làng ngõ xóm bê tông hóa, nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự nhà vườn mọc lên giữa những vườn sưa xanh mướt.
Dừng chân ở đầu làng, chúng tôi hỏi thăm vào nhà ông Bắc. Một người phụ nữ chỉ: “Chú cứ đi vào giữa làng, thấy nhà nào có cây sưa to nhất thì đó là nhà ông Bắc”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đi vào giữa làng và dừng chân tại một ngôi nhà 4 gian cùng cây sưa to trước cửa. Đúng lúc này, ông Bắc cũng từ vườn ươm về nhà.
Người trồng sưa đầu tiên ở thủ phủ sưa miền Bắc rất giản dị và chất phác
Quả thực, ông khác xa so với trí tưởng tượng của chúng tôi trước khi đến đây. Cứ ngỡ, một người từng sở hữu hàng chục cây sưa giá trị, người đi tiên phong trong phong trào ươm sưa giống sẽ là một vị đại gia oai phong, bệ vệ lắm nhưng thực chất, ông Bắc lại rất hiền lành và chất phác.
Lúc gặp chúng tôi, người đàn ông ngoại lục tuần mặc bộ quần áo màu xám đất, đi đôi dép lê, trên tay vẫn cầm chiếc kìm và bó dây thép buộc vì ông vừa đi căng bạt che sưa giống. Ngôi nhà 4 gian của gia đình ông Bắc nhìn thoáng qua cũng chẳng có thứ gì đáng giá nếu so sánh trong giới đại gia.
Thấy chúng tôi tò mò, ông Bắc phân trần: “Cũng chẳng có gì to tát đâu. Tiền bán sưa, tôi trang trải nợ nần và đầu tư hết vào mua đất, trồng sưa rồi”.
Hóa ra, ông Bắc đã đầu tư mua hơn 2 hec-ta đất trên nương, núi để trồng sưa nhưng chưa đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, ông còn mở một vườn ươm sưa giống với quy mô cũng thuộc tốp đầu ở làng.
Năm 2007, thời điểm sưa giống vẫn đang “sốt” giá, thương lái từ khắp cả nước gọi điện đến đặt hàng. Ông Bắc đã mở hẳn công ty về cây sưa. Thế nhưng, đến năm 2011, khi cơn “sốt” sưa hạ nhiệt, ông Bắc đã phải cho công ty dừng hoạt động và chuyển sang sản xuất quy mô gia đình.
Cây “sưa tổ” của ông Bắc có tuổi đời gần 30 năm, từng được thương lái trả 12 tỷ đồng
Cây “sưa tổ” thương lái trả 12 tỷ không bán
Nhấp ngụm nước chè, ông Bắc bắt đầu kể với chúng tôi về cơ duyên với cây sưa.
Khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông được một người bạn quê Hải Phòng tiết lộ giá trị của cây sưa và cho mấy hạt sưa về trồng ở vườn. Một lần khác, sang nhà một ông anh đang làm ở tỉnh chơi, thấy cây sưa đỏ, ông Bắc cũng xin vài cây về trồng.
“Cả 2 đợt được khoảng 15 cây. Lúc đó, tôi cũng cứ nghĩ trồng là trồng thôi chứ ai biết giá trị của nó cao hay thấp. Sưa thì gỗ nó phát triển lâu như cây lim, cây lát có khi đến hết đời người gỗ mới sử dụng được. Nhiều người trong làng bắt đầu chế giễu tôi bị khùng, có vấn đề về thần kinh. Nhất là lúc ấy, tôi nuôi vịt liên tục bị thất bát, rơi vào cảnh nợ nần”, ông Bắc kể lại.
Đến những năm 2005-2006, thương lái bắt đầu tìm đến và hỏi mua những cây sưa nhà ông Bắc. Ban đầu, ông bán 2 cây đủ tiền để trả nợ số tiền nuôi hàng ngàn con vịt bị thua lỗ. Sau đó, ông bán dần những cây sưa trong vườn để sửa nhà, mua đất trồng sưa, tậu ô tô, mở công ty cây giống…
Ông Bắc làm hàng rào lưới xung quanh gốc để phòng “sưa tặc”
Thế nhưng, có một cây duy nhất đứng trước cửa nhà, ông Bắc không bán dù thương lái nhiều lần đến hỏi mua. Cây sưa này hiện nay đã gần 30 năm tuổi, đường kính thân hơn 165cm, thân cao khoảng hơn 10 mét và vẫn phát triển xanh tốt.
“Năm 2010, thương lái đến trả tôi 12 tỷ nhưng tôi không bán. Cây sưa này hiện nay cũng là cây sưa to nhất trong làng nên tôi tính để lại làm cây “sưa tổ” với mong muốn nó sẽ trở thành biểu tượng của ngôi làng trồng sưa”, ông Bắc nói.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với ông Bắc liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại đến máy ông. Nhiều người từ tận Cần Thơ, Trà Vinh gọi ra đặt ông hàng vạn hạt giống, cây giống gửi xe khách vào.
Theo ông Bắc, thời điểm này sưa giống bán không được chạy nhưng vẫn có khách đặt. Do đã có thương hiệu nên sưa nhà ông Bắc được cả nhiều khách ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Trung Quốc… sang đặt mua.
Với nhiều người dân ở thôn Làng Chanh, sau hàng chục năm trồng sưa, họ vẫn nuôi mộng trở thành tỷ phú. Rất nhiều diện tích trồng sưa sắp đến tuổi có thể khai thác được. Dự kiến trong thời gian tới, chỉ cần sưa không bị mất giá, thôn Làng Chanh sẽ còn xuất hiện thêm nhiều tỷ phú nữa.
Theo Triệu Quang
Dân Việt